Thursday, November 26, 2009

Hà Trì thi tập


HÀ TRÌ TRẦN ĐÌNH TÂN
(1893 - 1979)
Cử nhân Hán học

Sơ lược tiểu sử tác giả

Ông Trần Đình Tân, còn có tên là Trần Hữu Liệp, tự Lữ Tiên, hiệu Hà Trì, sinh ngày 19 tháng 10 năm Quí Tị (26.11.1893) tại thôn Cảnh Vân tổng Dương An phủ Tuy Phước, nay là thôn Cảnh An xã Phước Thành huyện Tuy Phước tỉnh Bình Định.

Con ông Tú tài Trần Hữu Nham tự Trinh và Quan viên mẫu Lê Thị Tâm.

Ông Tú Trinh từng dựng cờ chống Pháp tại núi Thơm trong thôn Cảnh Vân vào năm 1886, được Bình Tây nguyên soái Mai Xuân Thưởng cử làm Tán tương Quân vụ.

Ông nổi tiếng thông minh từ nhỏ. Năm 17 tuổi thi đỗ Học sanh. Năm 22 tuổi cùng với anh ruột là Trần Trọng Giải dự thi Hương tại trường Bình Định, khoa Ất Mão (1915) ông trúng Cử nhân thứ 11/18, ông Giải trúng Tú tài 27/36.

Cuối năm 1919, sau khi chánh thất Bùi Thị Tư thất lộc, ông được bổ làm Hành tẩu bộ Học.

Năm 1928, ông được bổ làm Hậu bổ tỉnh Bình Thuận. Trong thời gian ở Bình Thuận, ông được hai lần quyền Tri phủ Tuy Phong, Hàm Thuận và thăng Kinh lịch (1932).

Năm 1921, ông kết duyên cùng trưởng nữ của Tri phủ Đào Trọng Trấp (ông này là cháu kêu văn hào Đào Tấn bằng chú ruột) là Đào Thị Biêm tự Ngọc Mai hiệu Dược Thạch. Bà chung sống với ông trong thời gian ở Huế và Bình Thuận (qua 7 lần sinh chỉ được một gái một trai trưởng thành. Anh Trần Đình Phan là con của bà này). Bà thất lộc tại Bình Thuận vào năm 1930, chôn tạm xứ người, ba năm sau mới cải táng về quê ở núi Thơm.

Năm 1933, ông kết duyên cùng bà Nguyễn Thị Tiếp (Bà sinh được 3 gái, 3 trai, trong đó có tiến sĩ Trần Đình Sơn hiện là Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học NewYork). Cũng trong năm này ông được thăng bổ làm Tri huyện huyện Hoài Ân thuộc tỉnh Bình Định.

Năm 1941, hoán bổ làm Tri huyện huyện Đồng Xuân tỉnh Phú Yên.

Cuối năm 1942 được thăng bổ làm Tri phủ phủ Mộ Đức thuộc tỉnh Quảng Ngãi.

Cuối năm 1943 hoán bổ làm Tri phủ phủ Hoài Nhơn tỉnh Bình Định.

Cuối năm 1944 được thăng bổ làm Thương tá Tỉnh vụ tỉnh Ninh Thuận (hàm ngang Án sát). Ninh Thuận là tỉnh nhỏ, có Tuần phủ là quan đầu tỉnh, Thương tá làm phó, quan hàm tùng Tam phẩm (3 – 2)

Trong thời gian làm quan Nam triều, ông được ân thưởng Kim Tiền (1924), Long Bội tinh (lúc ở Bình Thuận), Cao Miên quốc vương bội tinh (lúc làm Tri huyện Hoài Ân), Kim Khánh (lúc làm Tri phủ Mộ Đức).

Cách mạng tháng Tám năm 1945, sau một tháng bàn giao mọi công việc hành chánh, tư pháp và quản lý kho bạc của tỉnh tại Phan Rang, ông được chính quyền mới giới thiệu trở về quê hương tham gia công tác địa phương. Ông đã lần lượt được giữ các chức vụ: Hội trưởng Hội phụ lão xã Phước Thành, Hội trưởng Hội Liên Việt xã Phước Thành, Trưởng ban vận động quỹ kháng chiến huyện Tuy Phước, Hội trưởng Hội Liên Việt huyện Tuy Phước, Ủy viên trong Ủy ban kháng chiến Hành chánh huyện Tuy Phước cho đến năm 1950 mới nghỉ việc vì bệnh mắt quá nặng, gần như mù.

Năm 1955, hoà bình lập lại, ông vào Sài gòn chữa trị, mắt được sáng lại.

Năm 1956, ông tham gia Hội Khổng học, được bầu làm Hội trưởng Văn chỉ Tuy Phước, rồi Hội trưởng Hội Khổng học tỉnh Bình Định cho đến đầu năm 1959.

Năm 1959, đắc cử Dân biểu Quốc hội khoá 1959 – 1962 tại đơn vị Hoài Ân.

Cuối năm 1962, ông được mời làm Hội trưởng danh dự Hội Khổng học Bình Định (ông Mạc Như Tòng làm Hội trưởng)

Từ ấy, ông ở hẳn tại Qui Nhơn, đem hết tâm trí và thời gian đầu tư vào sự nghiệp trước tác.

Tạ thế tại nhà số 250 đường Phan Bội Châu, thuộc thành phố Qui Nhơn vào ngày mùng 4 tháng 10 năm Kỷ Vị (23.11.1979), hưởng thọ 86 tuổi dương tức 87 tuổi âm. Hiện ông được thờ tại đây và tại Hà Trì tư đệ là Từ đường chính ở chánh quán Cảnh Vân – Tuy Phước. Hàng năm làm lễ giỗ ông vào ngày mùng 3 tháng 10 âm lịch.

Sinh thời, ông trước tác rất nhiều, ngoài số đã thất lạc, hiện còn có:

1. HÀ TRÌ THI ĐỐI LIÊN VĂN TẬP bằng chữ Hán và chữ Nôm.

2. HÀ TRÌ THẢO BẢN bằng chữ Hán và chữ Nôm.

3. ĐIỂN CỐ TẦM NGUYÊN TRÍCH YẾU bằng chữ Hán

4. DANH NHÂN KIỆT TÁC TẬP BIÊN bằng chữ Hán

5. CHƯ DANH GIA ĐỐI LIÊN TẬP bằng chữ Hán

6. BIỂU XUYÊN ĐỐI LIÊN TẬP bằng chữ Hán

7. BIỂU XUYÊN DI CẢO bằng chữ Hán và chữ Nôm

8. VĂN TẾ bằng quốc ngữ

9. Y HỌC CẨM NANG TIỂU LỤC bằng quốc ngữ.

Bộ sách thuốc này gồm 7 quyển do ông trích dịch và biên soạn từ các bộ sách: Thạch thất bí lục, Nghiệm phương tân biên, Biện chứng kỳ văn, Thọ thế bảo nguyên, Vạn bịnh hồi xuân, Nam Dương tập yếu, Y truyền bí lục (của thầy Hai Đặng ở Vinh Thạnh), Vệ sinh trị yếu (của ông Cử Huỳnh Bá Văn), Hải Thượng y tông tâm lĩnh, các phương hay gia truyền v.v...

Các tác phẩm trên đều do các con ông bảo quản.

Điểm qua những tác phẩm ấy, đồ sộ về lượng, vô giá về phẩm, xứng đáng được người đời trân trọng.

Về nhân cách phẩm giá, ông được người đương thời là Lê Bính nhận xét rằng: “ông giữ được nếp sống cần kiệm liêm chính, không nịnh trên hách dưới, không khuất quị dưới áp lực nào nên làm quan chậm được thăng thưởng và chậm được đề bạt giữ các chức vụ quan trọng”. Và được người đời sau viết trong Trần tộc gia phả rằng: “ông là người hiền lành, thật thà, điềm đạm; sống cần kiệm siêng năng mực thước; rất kính yêu ông bà cha mẹ, rất hoà thuận với anh chị em, rất thương yêu đùm bọc con cháu; nhiệt tình giúp đỡ người nghèo khó. Suốt đời học tập nghiên cứu không biết mệt mỏi, chỉ rời quyển sách 15 ngày trước khi tạ thế... Ông luôn gắn bó với quê hương, đóng góp ý kiến và tài lực với anh ruột là ông Tú Giải trong việc xây dựng Từ đường, xây dựng trường học, truyền bá Quốc ngữ, mở mang tri thức cho con em trong vùng, tu tạo đình miễu chùa chiền chợ búa cầu cống đường sá v.v ... và trong việc tổ chức hoạt động từ thiện, cứu tế. Ông đã đóng góp được phần làm rạng rỡ cho tổ tiên, dòng họ, quê hương mình, là niềm tự hào của dòng họ và con cháu”.

Với bấy nhiêu ấy, nhà Nho, nhà thơ, nhà biên tập Hà Trì Trần Đình Tân xứng đáng nhận lời tán thán:

Đã nên lập đức lập ngôn

Tiếng tăm cùng với nước non mãi truyền!

Lộc Xuyên Đặng Quí Địch

No comments: