Wednesday, July 18, 2012

TIỂU SỬ TIẾN SĨ TRẦN ĐÌNH SƠN


Tiến sĩ Trần Đình Sơn, hiệu Tiên Châu, sinh ngày 28 tháng 8 năm 1939 (14 tháng 7 năm Kỉ Mão) tại Bình Định – khai sinh trên giấy tờ ngày 1 – 9 -1941, là con thứ 12 (thứ Tam) của cử nhân Hán học, Thương tá tỉnh vụ Ninh Thuận Trần Đình Tân.
Thuở nhỏ học cấp 1 ở trường làng Cảnh Vân, cấp 2 học ở trường Trung học Võ Tánh (1957) học ở Nha Trang 1 năm (1958) ở Collège Francaise Tourane, vào Sài Gòn học trường Chu Văn An (1958 – 1959), thi tú Tài tại Huế. Đậu cử nhân Vật lí năm 1964.
Ông du học ở Pháp từ năm 1964, học Đại học Khoa học Paris, và thực tập ở Trung tâm nguyên tử Sarclay, đậu tiến sĩ đệ tam cấp năm 1967 (Thèse  3 ème) và đậu tiến sĩ quốc gia nguyên tử lực (Thèse d’Etát ) của Cộng hòa Pháp năm 1970. Ông kết hôn với bà Nguyễn Thị Hồng Điệp và sinh hạ được ba con gái Trần-đình Chu-tước – 1970 (Christiane), Trần-đình Kim-tước – 1972 (Patricia) và Trần-đình Nam-tước – 1974 (Aurélie).
Ông là một trong những nhà khoa học hàng đầu của Pháp trong lĩnh vực nghiên cứu nguyên tử hạt nhân ứng dụng cho y học, có nhiều sáng chế phát minh và tham gia nhiều hoạt động khoa học tầm quốc tế, được nhận bằng Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học NewYork. Ông là Trưởng phòng nghiên cứu hạt nhân của Viện Sarclay (Pháp). Sau khi nghỉ hưu ông tiếp tục được mời làm Cố vấn nghiên cứu nguyên tử lực của Viện Sarclay.
Sau một thời gian bệnh nặng, ông đã từ trần tại Pháp vào lúc 2 giờ sáng (giờ Paris) ngày 14 tháng 7 năm 2012, hưởng thọ 74 tuổi. Theo nguyện vọng của ông, gia đình sẽ đưa về an táng tại quê nhà, núi Thơm Cảnh Vân, Phước Thành, Tuy Phước, Bình Định.
Tuy sinh sống ở Pháp nhiều năm, nhưng tấm lòng của ông lúc nào cũng nặng tình với quê cha đất tổ. Năm 1977 lần đầu tiên ông trở về nước và làm việc với Viện Vật lý quốc gia, theo lời mời của giáo sư viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu. Sau đó nhiều năm ông liên tục về Việt Nam làm việc với Viện Vật lý, Viện hóa học, các trường Đại học ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Bình Định, giảng dạy cho đội ngũ nghiên cứu, bác sĩ, tham gia hội đồng bảo vệ luận án tiến sĩ, thạc sĩ, đào tạo các nhà khoa học cho Việt Nam.
Đối với bà con dòng tộc, từ năm 1993, ông đã có sáng kiến vận động thành lập Quỹ học bổng của Trần tộc Đại tôn Từ đường, hỗ trợ biểu dương các con cháu họ Trần học giỏi vượt khó. Đến nay, Quỹ học bổng đã có sự tham gia đóng góp của nhiều bà con trong dòng tộc và là một điểm sáng trong phong trào khuyến học của Việt Nam và tỉnh Bình Định nói riêng. Ông thường xuyên răn dạy con cháu trong tộc họ giữ gìn tình nghĩa, yêu thương nhau, cùng nhau phát triển dòng tộc, làm rạng danh họ Trần ở Phước Thành.
Nguyện ước của ông lúc cuối đời sẽ được về quê hương, góp công sức xây dựng dòng tộc, dạy dỗ cho các lớp con cháu có thêm nhiều người giỏi giang thành đạt. Đáng quý thay tấm lòng của một người luôn hướng về cội nguồn.
Là người đậu đạt cao nhất của dòng tộc và của đời thứ 9 họ Trần ở Cảnh Vân, nhưng lúc nào ông cũng khiêm tốn hòa nhã, cởi mở chan hòa với các bậc tôn trưởng, anh chị em, bà con họ hàng. Cuộc sống giản dị thanh cao, luôn cần mẫn đóng góp trí tuệ và tâm lực cho đất nước quê hương. Đáng khâm phục biết bao!
Ông là niềm tự hào của Trần tộc Cảnh Vân, Phước Thành, Tuy Phước, của quê hương Bình Định và của đất nước Việt Nam.
THÔNG TIN VỀ LỄ VIẾNG VÀ AN TÁNG TIẾN SĨ QUỐC GIA KHOA HỌC (CH PHÁP) TRẦN ĐÌNH SƠN TẠI QUÊ NHÀ:
16h15 phút ngày 28/7/2012 đưa di hài về phi trường Tân Sơn Nhất, lưu tại phòng lạnh Bệnh viện Thống Nhất, TP. Hồ Chí Minh một đêm.
Sáng 28/7/2012 chuyển về phi trường Phù Cát, đưa về tại nhà ở Cảnh Vân, Phước Thành, Tuy Phước, Bình Định. An táng vào chiều 28/7/2012 tại nghĩa trang Núi Thơm, làng Cảnh Vân.

Monday, December 5, 2011

VĂN PHÁT KHOA HỌ TRẦN

1. TRẦN HỮU TRỌNG (đời thứ 6) con cụ Tiền Hiền TRẦN HỮU ĐẠO, phát khoa Tú Tài tại khoa thi Hương năm Mậu Ngọ 1838.

2. TRẦN HỮU GIA em ruột cụ TRẦN HỮU TRỌNG đậu Tú tài khoa thi Hương Tân Dậu 1861.

3. TRẦN HỮU NHAM hiệu TƯỜNG TRAI (đời thứ 7) con cụ Kỳ Lão TRẦN HỮU PHONG đậu Tú tài khoa Nhâm Ngọ 1882. Trong phong trào Văn thân được cử làm Tán tương quân vụ trong Hương Sơn quân thứ của Mai Xuân Thưởng.

4. TRẦN TRỌNG GIẢI hiệu HƯƠNG TIỀU (đời thứ 8) con cụ Tú Cả TRẦN HỮU NHAM. 1910 (Duy Tân thứ 4) Hội đồng Tỉnh tòa sát hạch, ông đậu Giáo sư được bổ về dạy tại trường Cảnh Vân. 1911 ông được ra Huế học tại trường Quốc Học Sư phạm, thi đậu Sư phạm và lãnh bằng Tốt nghiệp. Đậu Tú tài khoa Ất Mão (1915) đồng khoa với em ruột là Cử nhân TRẦN ĐÌNH TÂN. 1917 được tưởng thưởng Hàn lâm viện Đãi chiếu. Nguyên Nghị viên Hội đồng quản hạt tỉnh Bình Định. Tháng 2 âm lịch Bảo Đại nguyên niên làm Phó Văn chỉ và 6 năm sau làm Chánh Văn chỉ Tuy Phước.

5. TRẦN ĐÌNH TÂN, tự hiệu LỮ TIÊN, biệt hiệu HÀ TRÌ (đời thứ 8), con cụ Tú Cả TRẦN HỮU NHAM, đậu Cử nhân khoa Ất Mão (1915), phát văn quan, làm đến Thương tá tỉnh vụ tỉnh Ninh Thuận, hàm Trung Nghị đại phu. Làm hội trưởng Văn chỉ Tuy Phước (1956) và được bầu làm Hội trưởng Hội Khổng học Bình Định (1956 – 1961). 1962 được mời làm Hội trưởng danh dự Hội Khổng học Bình Định.

Friday, November 27, 2009

Bài đăng lucbat.com

Giá trị nhân văn trong ca dao - dân ca (29/09/2009)

Ngay từ ấu thơ, ca dao đã gắn với cuộc đời của mỗi chúng ta. Những lời hát, điệu ru lớn dần theo năm tháng. Ca dao - tiếng nói trữ tình dân gian trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của con người. Giống như tất cả các thể loại của văn học, ca dao cũng hướng đến đối tượng trung tâm là con người, khám phá, phát hiện những vẻ đẹp trong cuộc sống con người. Với người bình dân, tình và nghĩa luôn quyện chặt làm nên đời sống tinh thần phong phú và sâu sắc.

Trong khi thổ lộ tâm tình - gắn với cuộc sống lao động, sản xuất, sinh hoạt, đấu tranh xã hội và quan hệ tình cảm, ca dao luôn hướng về con người - nhân dân. Những câu hát phản ánh đầy đủ hiện thực cuộc sống và thế giới tâm hồn của người bình dân. Đời sống vật chất và tinh thần ấy hiện lên qua những rung cảm mãnh liệt, tinh tế đa dạng, độc đáo và sâu sắc, tô đậm thêm vẻ đẹp con người, bộc lộ chất nhân văn cao cả. Nói đến chất nhân văn trong ca dao là nói đến vẻ đẹp con người cả hình thức lẫn nội dung, từ bên ngoài đến bên trong, từ hiện thực đến tâm hồn, là Con Người viết hoa. Chất nhân văn đem đến nhận thức và rung độngvề con người, theo khuynh hướng ca ngợi, trân trọng, thương yêu, tin tưởng, bảo vệ con người và chống lại tất cả các thế lực xấu xa thù địch với con người. Đặc biệt, trong bất kì hoàn cảnh nào, phẩm giá, nhân cách luôn được đề cao.

Chất nhân văn trong ca dao gắn với quan niệm về con người của người bình dân, thể hiện ý thức và tình cảm của người bình dân, gắn với một quan niệm khoẻ khoắn, lành mạnh, trong sáng của chính người lao động. Là quá trình tự nhận thức bản thân của người bình dân trong hoàn cảnh cuộc sống vất vả, chịu đựng nhiều nỗi bất bình, tủi nhục, đắng cay vẫn giữ được bản chất tốt đẹp, tình nghĩa đậm đà.

Trước hết, đó là vẻ đẹp con người trong mối quan hệ với tự nhiên: con người bao giờ cũng là trungtâm của những vẻ đẹp tự nhiên, đem lại sức sống và nét hài hoà cho thiên nhiên vũ trụ. Thiên nhiên trong ca dao bao giờ cũng được mô tả ở nét tinh tế, gợi cảm và trữ tình nhất, gắn với cảm quan thẩm mĩ dân gian cụ thể, tinh lọc. Thậm chí có những bài chỉ tả cảnh nhưng cũng giúp nhận ra tấm lòng với thiên nhiên, sự gắn bó con người với thiên nhiên.

Tiếp đến là vẻ đẹp con người trong các quan hệ cộng đồng, quan hệ xã hội: nền tảng xã hội là bất công, những xung đột giữa các giai cấp đối kháng - kẻ thống trị và người bị trị. Vì vậy, ca dao là sự dồn nén của tinh thần đấu tranh, sức phản kháng mạnh mẽ của người bình dân. Sức sống con người bộc lộ ở nét cứng cỏi trong nhân cách, không chịu khuất phục trước hoàn cảnh, luôn tìm cách vượt lên những áp lực, định kiến xã hội, chiến thắng số phận, tin tưởng tương lai và đứng về phía lẽ phải. Chất nhân văn bộc lộ rõ nhất trong lao động sản xuất và đấu tranh xã hội: cần cù, bền bỉ, nhẫn nại, luôn ý thức rõ giá trị của chính mình. Đó là tầm vóc vĩ đại của nhửng con người bình thường.

Không những thế, vẻ đẹp nhân văn còn bộc lộ trong những quan hệ riêng tư, gắn kết con người với con người, đi sâu vào đời sống tình cảm của con nguời. Vẻ đẹp ấy hiện lên đằm thắm, nồng hậu, trọn vẹn cả hai mặt nghĩa và tình. Tinh thần trọng nghĩa khinh tài, quan niệm đạo lí thủy chung được đề cao trong những mối quan hệ gia đình, tình làng nghĩa xóm… giữa những người cùng chung cảnh ngộ. Ca dao là tiếng lòng tha thiết, làm đẹp thêm tâm hồn con người trongnhững ân tình nhắn nhủ hướng về quê hương, những con người cùng tâm tư, đồng điệu về cảm xúc. Từ đó, ca dao tạo nên những cung bậc trạng thái, cảm xúc uyển chuyển, đa dạng diễn tả tâm hồn người bình dân, hướng tới những giá trị ổn định, vững bền: thương người, tương thân tương ái, đoàn kết.

Đặc biệt, vẻ đẹp con người trong mối quan hệ với bản thân tạo nên tiếng nói nội tâm thầm kín và mãnh liệt nhất, luôn thể hiện tấm lòng nhân hậu, vị tha, hướng đến cái cao cả hoàn thiện. Vẻ đẹp đáng quí ở cái hồn nhiên chân thật, mạnh mẽ đầy cá tính, giản dị bộc trực. Bên cạnh đó là sự bay bổng của trí tuởng tượng ắp tràn ước mơ, khát vọng sống của người lao động.

Giá trị của chất nhân văn trong ca dao: giúp người đọc khám phá những vẻ đẹp hiện thực cuộc sống bình thường, làm phong phú nhận thức của con người, nâng cao đời sống tinh thần và bồi đắp tâm hồn con người ngày càng tốt đẹp hơn. Chất nhân văn là kết tinh, hội tụ giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc, tạo nên sức cuốn hút, hấp dẫn mọi thế hệ, là sự gắn kết mạch nguồn dân tộc từ quá khứ đến tương lai.


Theo tác giả Trần Hà Nam

Trần tộc Mỹ Á

Làng cổ Long Thuỷ


Vị trí

Làng Long Thuỷ xưa có tên là Mỹ Á, thuộc xã An Phú, huyện Tuy An, nay thuộc TP Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên. Từ trung tâm thành phố theo đường Hùng Vương ra QL1A, đi khoảng 7km đến khu vực đồi Thơm, rồi xuôi theo hướng Đông, đến sát bờ biển. Còn đi theo đường Độc Lập ra hướng Bắc thì chỉ 5km.

Làng Long Thuỷ nằm sát biển. Phía Bắc giáp thôn Ma Liên, Mỹ Quang xã An Chấn, huyện Tuy An. Phía Nam giáp ranh phường 9 còn mặt Đông là biển cả mênh mông. Long Thuỷ nổi tiếng có dừa xiêm uống nước rất ngọt, mát. Vườn dừa Long Thuỷ rợp bóng mát, quanh năm che phủ cả thôn.

Cảnh quan

Long Thuỷ quanh năm lộng gió, một loại gió hiu nhẹ từ biển thổi vào nên không khí rất trong lành. Ngoài khơi có hòn Chùa án ngữ trước mặt, cách bờ khoảng trên dưới 7 km nên bãi biển nông, thoai thoải… Lớp cát vàng mịn trên bãi rất sạch sẽ để du khách tắm biển, tổ chức vui chơi ngoài trời, cắm trại dã ngoại…

Phía giáp với Mỹ Quang có con suối nhỏ xuất phát từ các thôn Phú Phong, Phú Thạnh, Phú Qúi chảy qua cầu Đồng Nai rồi lặng lờ tuôn ra biển Mỹ Á. Con suối này không có tên gọi nhất định, lúc thì gọi là lạch Phú Quý, lúc gọi lạch Đồng Nai, lạch Mỹ Á… Suối không rộng, có thể nhảy từ bờ bên này sang bờ bên kia ở chỗ đoạn cầu Đồng Nai, nhưng ra gần cửa thì nới khoảng cách hai bờ ra xa hơn. Mực nước trong suối lúc cao nhất cũng chỉ tới thắt lưng, nhưng nước trong leo lẻo, thấy từng đàn cá lội; hai bên bờ lại có hàng dừa cao nghiêng mình soi bóng.

Đến Long Thuỷ, du khách còn được thưởng thức nhiều đặc sản như: nước dừa xiêm, mực hòn Chùa, cá thu Mỹ Á....cùng nhiều loại hải sản khác.

Ca dao có câu:

Muốn ra Mỹ Á ăn dừa

Sợ con sóng dữ nó lùa trở vô

Hay:

Muốn ra Mỹ Á ăn dừa

Sợ truông cát nóng, sợ đường đá dăm

Cát nóng đưa dép anh mang

Đá dăm em lượm còn than nỗi gì?

Dân ca Phú Yên đã có một bài hát tựa là Nẫu Ca theo làn điệu bài chòi xuân nữ trong đó có một đoạn nói về con mực Long Thuỷ – Hòn Chùa:

Hồi nào qua Phú Lễ ăn ổi chua

Xuống Đại Lãnh uống nước ngọt

Ra Hòn Chùa ăn mực nang

Chớ bây giờ em không ngó em không ngàng

Chồng nghèo cực khổ, gian nan cơ hàn.

Truyền thuyết

Về tên gọi Long Thuỷ, có truyền thuyết kể rằng, ngày xưa, đất Phú Yên bị hạn hán nhiều năm liền khiến dân chúng rất lầm than cơ cực vì không có nước để gieo trồng. Người dân lập đàn cầu mưa bao lần mà không được. Một trưa nọ, không rõ từ đâu có hàng ngàn hàng vạn con cóc vàng tràn về các nơi trai đàn, hòa giọng cùng tiếng trống sấm tạo thành âm thanh thôi thúc, bức bách. Thế là trời bỗng tối sầm, gió thổi ào ào, mây vần vũ, sấm chớp vang động. Từ trong những lằn chớp và mây đen kia bỗng xuất hiện con rồng khổng lồ, đầu chúc xuống biển hút nước rồi bay cuộn lên phía núi Chóp Chài, vươn thẳng lên không trung phun nước làm mưa. Những nơi rồng phun nước thẳng xuống, do áp lực quá mạnh nên tạo thành sông (sông Ba, sông Cái…), nhẹ hơn thì thành hồ ao. Nhờ vậy nên người dân có nước để gieo trồng, cày cấy. Khi rồng chúc đầu hút nước, đầu rồng nhằm vào biển Long Thủy nên có tên gọi như ngày nay.

Một câu chuyện khác lý giải như sau, bữa nọ, hai cha con họ Trần đi biển. Sau khi kéo lưới lên thuyền, vừa gỡ cá xong, chưa kịp quay vào bờ thì từ ngoài biển Đông bỗng đâu mây đen ùn ùn kéo đến, sà thấp sát mặt biển. Hai cha con trông thấy con rồng đen khổng lồ thò vòi dài từ trên cao hút nước biển. Rồng đen chưa bay lên phun nước thì bỗng đâu con rồng khác màu đỏ lao tới, giương nanh vuốt ra tranh với rồng đen hút nước. Hai con tranh nhau làm cho mặt nước hõm xuống, nước cuộn thành vòi bốc lên cao, sôi réo ầm ầm. Sóng cao chục trượng ập vào bờ, mưa xối như trút. Thuyền của cha con ông họ Trần bị đập văng lên bờ. Nhưng may là không ai bị thương vong. Sau này dân xứ này lập miếu thờ. Từ đó hai rồng thôi cuộn xoáy, tranh giành hút nước mà chỉ làm mưa, mưa đến chín chiều vào tháng Tư tháng Năm âm lịch hàng năm.
__________________
www.vietnamtourism.edu.vn

Gia tộc họ Trần (Báo Bình Định)

Gia tộc họ Trần
15:6', 14/3/ 2005 (GMT+7)

Đúng 6 giờ, ngày 12 tháng Giêng (Âm lịch), Từ đường họ Trần ở thôn Cảnh An, xã Phước Thành, huyện Tuy Phước đã cử hành lễ tế hiệp (cúng tế ông bà) lần thứ 89. Hàng trăm người - trẻ, già, lớn, bé, có những người chưa một lần bước ra khỏi làng, lại có những người vừa trở về từ một nơi rất xa và đây là lần đầu tiên họ gặp mặt nhau để nhận họ hàng và sợi dây huyết thống đã kéo mỗi người xích lại gần nhau hơn.

* Về với họ tộc

Từ đường họ Trần được xây dựng từ năm 1916.

Hàng năm, vào ngày 11 tháng Giêng, con cháu họ Trần lại lục tục kéo về từ đường ở thôn Cảnh Vân (nay là Cảnh An). Sau Tết năm nay trời trở lạnh. Trong hơi gió âm âm và những cơn mưa xuân rích rắc, trẻ, già, lớn, bé trong họ lui cui sửa sang, tôn tạo phần mộ cha ông. Ông Trần Bùi Thao, vị Chánh chủ tự của Ban quản trị họ năm nay đã bước qua tuổi 82, dáng người bệ vệ nhưng bước chân đã chậm. 21 năm giữ một cái chức "to" nhất họ, ông Thao đã luôn cố gắng gìn giữ nếp nhà để xứng đáng với lòng ngưỡng mộ và tôn vinh của bà con dòng tộc. Ông hoan hỉ khi tiếp chuyện với tôi: "Trời luôn ủng hộ họ Trần. Năm nay tảo mộ thật đông vui nhờ con cháu về đủ cả...".

Từ đường họ Trần được xây dựng từ năm 1916. Có lẽ, đây là ngôi từ đường cổ nhất trong tỉnh mà tôi có dịp ghé qua. Trước cổng từ đường một con voi đá đang phủ phục. Chính cửa có hàng chữ "Trần Từ đường môn" viết bằng chữ Hán, hai bên là câu đối "Nhập môn thủ luân lý" (Vào cửa phải giữ gìn luân lý) và "Tại hạ túc hộ trì" (Dưới mái được che chở)… Sau lễ tảo mộ, nam giới và phụ nữ trung niên bắt đầu sắp đặt, trang trí lại các khu thờ và sửa soạn một bữa cơm họp mặt. Mọi công việc đều được thực hiện một cách mau lẹ và tự giác. Những lúc ngưng tay, các bà mẹ thường tranh thủ gọi con đến giới thiệu với người họ hàng. "Mấy đứa nhà chị lớn mau ghê há, mới đó mà đã vào đại học hết rồi!" - tiếng một người phụ nữ thì thầm.

Họ đến và gắn kết với nhau trong tình cảm huyết thống. Vào ngày giỗ tổ, con, cháu, họ hàng, bà con xa, gần có dịp tề tựu để hỏi han, trò chuyện về việc làm ăn, giới thiệu con cái với nhau để "ra đường chúng còn biết phân định anh, em mà chào hỏi". Chị Trần Thị Ty ở Phú Hiệp (Tuy An, Phú Yên) năm nay dẫn con trai "đích tôn" vừa tròn 34 tháng tuổi về nhận họ. Tuy chỉ là con dâu của họ Trần, nhưng 16 năm qua, chưa năm nào chị Ty quên về giỗ tổ. Anh Tuấn chồng chị là hậu duệ đời thứ 9 của họ Trần ở Quý phái Phú Hiệp. "Họ hàng bên chồng chính là nguồn cội của con. Có tới, có lui thì mới nảy sinh tình cảm…"- chị Ty tâm sự.

* Cây có cội, người có nguồn

Theo lời kể của ông Trần Bùi Thao, vị thái thủy tổ họ Trần là hậu duệ đời thứ 12 của An Sinh Vương Trần Liễu. Thái thủy tổ, không rõ vì một lý do nào đó đã phải đưa 3 người con từ đất Bắc "lánh nạn" vào tận vùng sơn cước Đàng Trong. Người con cả (thủy tổ đại lang) là Trần Hữu Đức dạt lên vùng Cảnh Vân (Phước Thành bây giờ), còn hai người em thì vào tận Phú Hiệp và Mỹ Á (tỉnh Phú Yên). Ông tổ Trần Hữu Đức ở làng Cảnh Vân đến đời thứ 4 đã "tẽ" ra thành nhiều chi phái, các nhánh và đến nay đã có hậu duệ đời thứ 13 với gần 300 hộ tộc viên sống tập trung ở làng Cảnh An và nhiều địa phương khác.

Ngày giỗ tổ họ Trần gần một thế kỷ nay đã trở nên quen thuộc không chỉ với người trong họ. Sáng nay, lúc hỏi thăm đường đến nhà ông Trần Bùi Nghê, tộc quản và cũng là trưởng ban khuyến học của dòng họ Trần, người thợ sửa xe máy ở đầu làng đã khẳng định như đinh đóng cột: "Ông Nghê giờ này đã có mặt ở từ đường rồi!".

Tùng… tùng… tùng…, những tiếng trống vọng ra dập dồn từ một chòm nhà phía xa xa. Một người dân thốt lên: "Từ đường cúng rồi!". Trong đời sống của người thôn Cảnh An, ngày giỗ tổ họ Trần từ bao năm nay đã trở nên gần gũi, thân quen như tập quán của cả làng, cả xã.

Cây có gốc có rễ, người có cội có nguồn. Trong lễ tế hiệp của tộc Trần năm nay, tôi gặp anh Trần Hữu Thân, 34 tuổi, kỹ sư cầu đường, hiện đang định cư tại California (Mỹ). Trở về quê hương sau 17 năm xa cách, anh Thân đã bật khóc trong ngày giỗ tổ. Anh tâm sự: "Tôi đã có gia đình, có con ở nước ngoài, lần này về nước là muốn giới thiệu "bà xã" với họ hàng...".

Quê hương nếu ai không nhớ… và quê hương chỉ tồn tại và theo suốt mỗi người bằng những gì rất hữu hình như mùi thơm của lúa chín, của những mơ ước theo cánh diều no gió tuổi ấu thơ… và đối với người con họ Trần, còn là tiếng trống họp họ, là những đêm sum vầy trong ngày giỗ tổ, là sợi dây tình cảm huyết thống ấm áp, thiêng liêng.

* Truyền thống là sức mạnh

Lễ tế hiệp và tảo mộ của con cháu họ Trần được tổ chức vào ngày 12 tháng Giêng hàng năm.

Bàn thờ tổ họ Trần có 5 gian. Trong khung cảnh bài trí linh thiêng của nơi thờ cúng, tôi thấy có khá nhiều binh khí và cờ lọng. Ông Trần Bùi Thao giải thích: "Thời xưa, họ Trần có võ phát quan Tam phẩm lãnh binh Trần Hữu Tam và văn phát khoa Tam phẩm thương tá tỉnh vụ Trần Đình Tân về vinh quy bái tổ nên mới được phép thờ lễ bộ và lọng...".

Dưới bàn thờ văn phát khoa, những học sinh có thành tích học tập xuất sắc được họ trao học bổng và phần thưởng khuyến học. Ban khuyến học dòng họ Trần được thành lập từ năm 2003, nhưng những hoạt động khuyến học của họ thì đã có từ rất lâu rồi. Người họ Trần vẫn tự hào là họ đầu tiên đứng ra mở trường (Trần tộc Học hiệu) để dạy chữ Quốc ngữ cho con cháu trong họ và trong vùng từ trước Cách mạng Tháng 8-1945. Quả vậy, lần trước lên Phước Thành tìm hiểu về chuyện khuyến học của xã, ông Trần Bùi Nghê có dẫn tôi xuống chân núi Thôn để viếng một ngôi mộ cổ. Đó là mộ của thầy giáo Quỳ - một trong những người đã dạy học tại "Trần tộc Học hiệu". Thầy Quỳ quê ở Phước Hiệp, có cha đậu cử nhân Hán học. Ông là người văn hay, chữ tốt nhưng bất đắc chí vì học tài thi phận. Trần tộc Học hiệu là trường học đầu tiên khai khoa học vấn tân học cho người dân ở đây và sau bao thăng trầm, thay đổi, nó chính là tiền thân của Trường THCS Phước Thành ngày nay.

Ngày nay, trong lòng mỗi người con họ Trần luôn ý thức rất rõ về truyền thống của họ tộc. Trong câu chuyện kể của người lớn tuổi trong họ, thường lấp lánh những tấm gương hiếu học và khát vọng vươn lên trong học tậpï. Ngày xưa, muốn cho con đi học và đỗ đạt đối với một gia đình không mấy dễ dàng, nên cả họ phải "chung sức".Cũng nhờ tinh thần đoàn kết, tương ái đó mà họ Trần đã có nhiều người học giỏi và đỗ đạt như ông Trần Đình Phô - được cả họ nuôi ăn học cho đến khi lấy được bằng Đip-lôm, được ghi tên vào bảng danh dự của Trường College de Quy Nhơn mà mỗi học sinh đi qua đều phải ngả mũ chào. Đến thời nay, đã có 150 sinh viên "họ Trần" tốt nghiệp nhiều ngành, nhiều đại học khác nhau ra trường, nhiều người trong số đó tiếp tục học lên cao học, tiến sĩ...

Trong ngày giỗ tổ, con cháu ở xa thường về vấn an sức khỏe những người lớn tuổi trong họ tộc.

Để khuyến khích con cháu hiếu học và học giỏi, tộc Trần có một quy định: Mỗi hộ tộc viên, mỗi năm góp về họ 50.000 đồng hoặc tùy lòng hảo tâm để cúng giỗ tổ tiên, 20.000 đồng góp cho quỹ khuyến học. Trong lễ trao học bổng khuyến học năm nay, có 15 HS, SV đã vinh dự được nhận học bổng của họ. Ông Trần Bùi Nghê cho biết: "Phương châm của họ là khuyến khích con cháu vào đại học. Gia đình nào nghèo, không có tiền chu cấp cho con đi học thì được họ nuôi cho đến khi ra trường". Bởi thế, mỗi khi con, cháu nào trong họ đậu đại học, Ban quản trị họ sẽ phát ngay 200.000 đồng tiền tàu xe để nhập trường. Bên cạnh đó, hàng năm họ Trần còn cấp 1 học bổng và 4 phần thưởng cho HS Trường THCS Phước Thành có thành tích học tập xuất sắc để khuyến khích phong trào khuyến học ở địa phương.

Trăm nhà tạo nên làng, xã, trăm họ làm nên đất nước, dân tộc. Chia tay họ Trần, tôi vẫn còn nhớ những lời dặn dò của ông tộc trưởng với cháu con: "Hãy giữ gìn tư sở, mồ mả, gia phả tổ tiên để dòng họ ta ngày một đông vui, giữ gìn truyền thống hiếu thảo, sống có đạo lý, nghĩa tình và xây dựng dòng họ ta thành một dòng họ khuyến học. Tất cả con cháu trong độ tuổi đều được cắp sách đến trường. Họ Trần sẽ không có người phạm pháp, mắc các tệ nạn xã hội, không có con, cháu nào gây rối, làm mất trật tự công cộng địa phương, gây tổn hại đến uy tín dòng họ". Anh Trần Hà Nam - một công dân đời thứ 10 của họ Trần đã nói với tôi: "Niềm tự hào dòng tộc đã nâng tôi lớn dậy rất nhiều...".

. Quỳnh Hoa

Thursday, November 26, 2009

Khuyến học họ Trần (Cảnh Vân, Phước Thành)

Trao học bổng cho con cháu trong họ.

Dòng họ Trần ở Cảnh Vân - Phước Thành (Tuy Phước) là một trong số ít dòng họ ở Bình Định lập quỹ khuyến học trong gia tộc - một cách làm hay của công tác xã hội hóa giáo dục trong cộng đồng.

Trong ngôi nhà thờ của dòng họ Trần ở thôn Cảnh Vân, xã Phước Thành, huyện Tuy Phước có một gian thờ đặc biệt mà không phải từ đường dòng họ nào cũng có. Đó là gian “Văn võ phát khoa”, nơi thờ tự các bậc tiền nhân đỗ đạt đầu tiên của dòng họ. Cùng với gian thờ tổ tiên, gian thờ “Văn võ phát khoa” được lập nên nhằm mục đích động viên và khuyến khích con cháu lập thân bằng con đường học vấn.

Truyền thống khuyến học của dòng họ Trần - Cảnh Vân đã có từ xưa và khoảng 10 năm nay đã trở thành phong trào chung của các gia đình trong họ. Ngày Tế hiệp hàng năm (12 tháng giêng âm lịch) cũng là ngày dòng họ Trần - Cảnh Vân tổ chức khen thưởng cho các con cháu có thành tích cao trong học tập hoặc biết vượt khó khăn để học tốt. Năm nay họ Trần có 15 học sinh trung học và sinh viên đại học được nhận học bổng của dòng họ. Mỗi học bổng tùy theo thành tích và cấp học mà có giá trị từ 100 đến 450 ngàn đồng. Quỹ khuyến học của họ Trần - Cảnh Vân ra đời từ năm 1993 với sự đóng góp của nhiều người trong họ. Mỗi năm có từ 15 đến 20 con em họ Trần được hưởng hỗ trợ từ quỹ này. Năm nay, ông Trần Bùi Nghê - tộc quản họ Trần - được bà con trong họ bầu là trưởng ban khuyến học của dòng họ, và cũng từ năm nay, tất cả các thành viên của họ Trần - Cảnh Vân đều trở thành hội viên Hội khuyến học, tham gia đóng góp cho quỹ khuyến học của họ Trần.

Những cố gắng trong việc khuyến học 10 năm qua của dòng họ Trần - Cảnh Vân đã có kết quả. Cả dòng họ Trần hiện đã có khoảng 150 người có trình độ từ đại học trở lên, trong đó có cả tiến sĩ, thạc sĩ, phần lớn đang sống và phục vụ tại quê hương.

Vài năm gần đây điều đặc biệt ở họ Trần - Cảnh Vân là số nữ sinh học giỏi ngày càng tăng, các gia đình quan tâm nhiều hơn đến việc học hành của con cái. Ngày nay ở họ Trần, được nhận học bổng của dòng họ trong ngày Tế hiệp, không chỉ là phần thưởng vật chất mà còn là niềm vinh dự lớn lao về tinh thần mà mỗi gia đình đều cố gắng thi đua phấn đấu. Cách thức xây dựng Quỹ khuyến học ở họ Trần là một kinh nghiệm hay về thúc đẩy xã hội hóa giáo dục, rất đáng để cộng đồng học tập.

. Ngọc Diên

Tiến sĩ TRẦN ĐÌNH SƠN

NGUYỆT SAN

TS. TRẦN ĐÌNH SƠN:
“Về Việt Nam giảng dạy là niềm vui lớn nhất của tôi”
19:57', 29/1/ 2008 (GMT+7)

TS. Trần Đình Sơn (hiện Cố vấn khoa học Trung tâm Nghiên cứu Nguyên tử Saclay - Pháp), là một nhà khoa học người Bình Định. Trước thềm năm mới, PV. Báo Bình Định đã có cuộc phỏng vấn ông, về những kỷ niệm và những suy nghĩ tâm huyết của ông với quê hương.

TS Trần Đình Sơn (giữa) cùng các đồng nghiệp ở Pháp. Ảnh: T.X

* Ký ức tuổi thơ

* Ông là người sinh ra và lớn lên ở Bình Định. Vậy khi nhớ về quê hương và tuổi thơ, ông nhớ nhất điều gì?

- Có lẽ, cũng như phần đông mọi người, tuổi thơ là tuổi vô tư, nên thường có nhiều kỷ niệm đẹp, ghi sâu vào tâm trí. Hè năm 1953, sau khi học hết lớp bảy, anh tôi và tôi không được tiếp tục theo đuổi đường học vấn, phải về quê sống với ruộng vườn. Anh tôi, mới 16 tuổi, nhưng giỏi cày bừa không kém nông dân “thứ thiệt”. Còn tôi, vì còn nhỏ, nên có phận sự chăm sóc đàn bò. Tôi lo cho chúng đến mức, nhiều khi tôi có cảm tưởng thương chúng hơn cả bản thân mình. Chiều tối, ba tôi kéo “cần vọt” lấy nước, hai anh em tôi xách nước tưới rau và cây trái trong vườn. Đời sống khi đó cơ cực và thiếu thốn, nhưng mọi người ai cũng thương yêu nhau, nên đối với tôi, đó là khoảng thời gian đẹp nhất đời mình.

Năm 1955, thầy má chúng tôi bán bò, dời nhà xuống Quy Nhơn để chúng tôi được tiếp tục đi học. Một hôm về thăm quê, tình cờ thấy mấy con bò của mình đang đi ngoài đường, bỗng nhiên chạy qua cổng rồi chui vào chuồng cũ, dù người chủ mới hết sức ngăn cản, tôi rơm rớm nước mắt. Thì ra, không chỉ tôi nhớ đến chúng, mà chúng cũng vẫn còn nhớ đến tôi!

TS. Trần Đình Sơn là con trai cụ Trần Đình Tân (tự Lữ Tiên, hiệu Hà Trì). Cụ Trần Đình Tân sinh năm 1893 tại thôn Cảnh An, xã Phước Thành, huyện Tuy Phước, đậu Cử nhân năm 1915, làm đến chức Thương tá Tỉnh vụ Ninh Thuận thì về hưu năm 1945. Trong kháng chiến chống Pháp, cụ giữ chức Hội trưởng Liên Việt huyện Tuy Phước, Ủy viên Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Tuy Phước. Năm 1956 làm Chánh Văn chỉ Tuy Phước, rồi Hội trưởng Hội Khổng học tỉnh Bình Định. Cụ mất năm 1979. Tác phẩm của cụ còn để lại rất nhiều, gồm thơ, văn, đối, liễn, sách thuốc… chữ Hán, Nôm, Quốc ngữ. Đặc biệt, trong tập Danh nhân kiệt tác tạp biên, có chép thư của Ủy ban Kháng chiến Chính phủ Việt Nam gửi quốc dân đồng bào năm 1947, của cụ Huỳnh Thúc Kháng. Đây là một bản sao quý về bức thư này còn giữ đến nay.

* Nhớ về người cha, ông nhớ nhất điều gì?

TS. Trần Đình Sơn sinh năm 1941, tại Tuy Phước; tốt nghiệp Cử nhân Khoa học Vật lý (1964); TS. Đệ tam cấp về Hóa phóng xạ (1967), TS. Khoa học Lý Hóa (1970). Từ năm 1970 đến nay, ông nghiên cứu về Cộng hưởng từ hạt nhân và đã thành lập 4 phòng thí nghiệm; trong đó, có một phòng chuyên về phổ và hình cộng hưởng từ áp dụng vào y học và đã xuất bản hai tập sách về Phổ cộng hưởng từ hạt nhân. Hiện ông là Cố vấn khoa học Trung tâm Nghiên cứu Nguyên tử Saclay.

- Trong kháng chiến chống Pháp, ba tôi bị bệnh đục thủy tinh thể, nên đôi mắt mờ dần. Dầu vậy, tinh thần ông vẫn rất sáng suốt. Ông hướng dẫn chúng tôi làm tất cả các việc đồng áng. Trước đó, tuy đi làm việc xa nhà bao nhiêu năm, nhưng ông vẫn còn nhớ rõ vị trí và đặc tính từng khoảnh ruộng. Ông thường làm thơ, những lúc nhàn rỗi, trên đường đi tản cư hay lúc chờ ở hầm trú ẩn, để khích lệ, khuyên nhủ con cháu. Điều tôi thán phục nhất ở ông là lòng vị tha. Lúc còn đi làm, ông vẫn nuôi và giúp con cháu trong họ đi học. Lúc về làng, ông sưu tầm những phương thuốc hiệu nghiệm, để ghi vào bộ sách thuốc đang soạn. Trong nhà tôi, bao giờ cũng sẵn thuốc để giúp bà con khi cần. Dù nửa đêm hay mờ sáng, ông vẫn vui vẻ cho thuốc và tận tâm chỉ cách điều trị cho người bệnh. Trong thời kỳ kháng chiến, rất nhiều người trong xóm đã nhờ ông chữa bệnh và ông luôn chữa miễn phí cho bất cứ ai.

* “Cố gắng, quyết tâm và bền chí”

* Những ký ức tuổi thơ ấy cùng hình bóng quê nhà có giúp gì ông trên con đường làm khoa học ở xứ người?

- Sau hiệp định Genève, những bậc đàn anh còn trẻ và có học thức đều tập kết ra Bắc. Chúng tôi, dù muốn dù không, cũng trở thành “đàn anh” trong làng. Những năm tháng đó đã hun đúc ước mơ của tôi là gắng đi xa trên đường học vấn, để một ngày nào đó, trở về đào tạo lớp đàn em, theo kịp trình độ khoa học của các nước tiên tiến…

* Ông từng về Việt Nam giảng dạy về vật lý cộng hưởng từ (1979, 2003) và báo cáo khoa học (1985). Hẳn những việc làm đó cũng xuất phát từ thôi thúc trên?

- Hè năm 1964, sau khi tốt nghiệp Cử nhân Khoa học ở Đại học Sài Gòn tôi được cấp học bổng sang Pháp để soạn luận án Tiến sĩ khoa học. Tôi ra nước ngoài học, cũng với mục đích là trở về góp phần dựng xây đất nước. Cho đến nay, dù có đủ khả năng, nhưng tôi vẫn sống đạm bạc trong một gian nhà nhỏ, lúc nào cũng mong được về sống ở Việt Nam. Sau năm 1975, tôi là một trong những người đầu tiên về thăm Việt Nam năm 1977 với giấy thông hành của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (lúc đó, tôi chưa nhập quốc tịch Pháp).

TS Trần Đình Sơn (thứ hai từ phải qua) trong lần thuyết trình tại Bệnh viện Nhân dân 115 (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: T.X

Năm 1979, một giáo sư Trường Bách khoa Pháp và tôi, được GS.VS Nguyễn Văn Hiệu (lúc đó là Viện trưởng Viện Vật lý), mời tổ chức khóa học đầu tiên tại Việt Nam về Cộng hưởng từ hạt nhân. Năm 1985, tôi đem cả gia đình về thăm Việt Nam và nhân tiện tổ chức nhiều buổi thuyết trình tại Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh và vài thành phố khác ở miền Trung về các phương pháp chụp hình bằng cộng hưởng từ hạt nhân áp dụng vào y học. Khi ấy, đây là một phương pháp rất hiện đại, chỉ có vài nước phát triển trên thế giới mới có máy này. Ngay ở Pháp cũng chỉ có một máy chụp duy nhất đặt ở Bệnh viện Kremlin - Bicêtre (Paris) do chúng tôi sử dụng. Trong những lần về thăm Việt Nam sau này, tôi được các đơn vị khác như Viện Hóa học (Hà Nội), Trung tâm Chẩn đoán Y khoa TP. Hồ Chí Minh và các bệnh viện ở TP. Hồ Chí Minh... mời thuyết trình. Về Việt Nam giảng dạy là niềm vui lớn nhất của tôi.

* Ông có kinh nghiệm gì trao đổi với các bạn trẻ Bình Định hôm nay cũng đang có ước mơ lập thân, lập nghiệp?

- Theo tôi, điều kiện quan trọng để tiến đến thành công là cố gắng, quyết tâm và bền chí.

* Giả dụ có những sinh viên hay bạn trẻ Bình Định muốn được ông tư vấn hay hướng dẫn về khoa học, về hướng đi, ông có vui lòng nhận lời?

- Thật tình mà nói, không hiểu tại sao khi về hưu người ta lại bận hơn lúc còn tại chức. Hiện tôi đang cố gắng viết thêm bộ sách về cộng hưởng từ dùng trong y học, nhưng công việc tiến triển không nhanh như ý muốn. Ngay trả lời email, tôi cũng không đủ thời gian, nên chỉ trả lời những mail thật quan trọng. Tuy nhiên, nếu các bạn trẻ có nhu cầu, tôi sẽ tư vấn cho những sinh viên đã hay sắp tốt nghiệp đại học muốn đi sâu vào lĩnh vực khoa học.

* “Giữ một truyền thống gia đình”

TS. Trần Đình Sơn cũng là người nhiệt tâm với phong trào khuyến học địa phương. Theo cụ Trần Bùi Nghê, quản tộc họ Trần ở xã Phước Thành (một dòng họ có những cách khuyến học hiệu quả và có số con cháu học hành đỗ đạt khá đông), hằng năm, TS. Trần Đình Sơn đều gửi tiền về đóng góp vào quỹ khuyến học dòng họ.

* Lý do nào khiến ông hằng năm vẫn gửi tiền về đóng góp vào quỹ khuyến học của dòng họ ?

- Điều này đã thành truyền thống gia đình. Ngày xưa, ba tôi đã giúp con cháu trong họ đi học, ngày nay, tôi muốn duy trì nghĩa cử cao đẹp đó để con cháu của chúng tôi noi theo.

* Nhân năm mới, ông nói gì về mong ước của ông cũng như những nhà khoa học Việt kiều, hiện nay?

- Hiện nay, ở nước ngoài, có rất nhiều Việt kiều là chuyên gia ở nhiều ngành, lĩnh vực. Tuy hiện giờ, họ đã về hưu, nhưng phần lớn vẫn còn rất năng động, có thiện chí mong được về giúp quê hương. Hy vọng rằng, thời gian tới, nhà chức trách sẽ có thêm nhiều chính sách, khuyến khích họ trở về phục vụ quê hương, cũng như tạo điều kiện để họ về sinh hoạt lâu dài tại Việt Nam.

* Xin cảm ơn TS.

  • Lê Viết Thọ (Thực hiện)