Friday, November 27, 2009

Bài đăng lucbat.com

Giá trị nhân văn trong ca dao - dân ca (29/09/2009)

Ngay từ ấu thơ, ca dao đã gắn với cuộc đời của mỗi chúng ta. Những lời hát, điệu ru lớn dần theo năm tháng. Ca dao - tiếng nói trữ tình dân gian trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của con người. Giống như tất cả các thể loại của văn học, ca dao cũng hướng đến đối tượng trung tâm là con người, khám phá, phát hiện những vẻ đẹp trong cuộc sống con người. Với người bình dân, tình và nghĩa luôn quyện chặt làm nên đời sống tinh thần phong phú và sâu sắc.

Trong khi thổ lộ tâm tình - gắn với cuộc sống lao động, sản xuất, sinh hoạt, đấu tranh xã hội và quan hệ tình cảm, ca dao luôn hướng về con người - nhân dân. Những câu hát phản ánh đầy đủ hiện thực cuộc sống và thế giới tâm hồn của người bình dân. Đời sống vật chất và tinh thần ấy hiện lên qua những rung cảm mãnh liệt, tinh tế đa dạng, độc đáo và sâu sắc, tô đậm thêm vẻ đẹp con người, bộc lộ chất nhân văn cao cả. Nói đến chất nhân văn trong ca dao là nói đến vẻ đẹp con người cả hình thức lẫn nội dung, từ bên ngoài đến bên trong, từ hiện thực đến tâm hồn, là Con Người viết hoa. Chất nhân văn đem đến nhận thức và rung độngvề con người, theo khuynh hướng ca ngợi, trân trọng, thương yêu, tin tưởng, bảo vệ con người và chống lại tất cả các thế lực xấu xa thù địch với con người. Đặc biệt, trong bất kì hoàn cảnh nào, phẩm giá, nhân cách luôn được đề cao.

Chất nhân văn trong ca dao gắn với quan niệm về con người của người bình dân, thể hiện ý thức và tình cảm của người bình dân, gắn với một quan niệm khoẻ khoắn, lành mạnh, trong sáng của chính người lao động. Là quá trình tự nhận thức bản thân của người bình dân trong hoàn cảnh cuộc sống vất vả, chịu đựng nhiều nỗi bất bình, tủi nhục, đắng cay vẫn giữ được bản chất tốt đẹp, tình nghĩa đậm đà.

Trước hết, đó là vẻ đẹp con người trong mối quan hệ với tự nhiên: con người bao giờ cũng là trungtâm của những vẻ đẹp tự nhiên, đem lại sức sống và nét hài hoà cho thiên nhiên vũ trụ. Thiên nhiên trong ca dao bao giờ cũng được mô tả ở nét tinh tế, gợi cảm và trữ tình nhất, gắn với cảm quan thẩm mĩ dân gian cụ thể, tinh lọc. Thậm chí có những bài chỉ tả cảnh nhưng cũng giúp nhận ra tấm lòng với thiên nhiên, sự gắn bó con người với thiên nhiên.

Tiếp đến là vẻ đẹp con người trong các quan hệ cộng đồng, quan hệ xã hội: nền tảng xã hội là bất công, những xung đột giữa các giai cấp đối kháng - kẻ thống trị và người bị trị. Vì vậy, ca dao là sự dồn nén của tinh thần đấu tranh, sức phản kháng mạnh mẽ của người bình dân. Sức sống con người bộc lộ ở nét cứng cỏi trong nhân cách, không chịu khuất phục trước hoàn cảnh, luôn tìm cách vượt lên những áp lực, định kiến xã hội, chiến thắng số phận, tin tưởng tương lai và đứng về phía lẽ phải. Chất nhân văn bộc lộ rõ nhất trong lao động sản xuất và đấu tranh xã hội: cần cù, bền bỉ, nhẫn nại, luôn ý thức rõ giá trị của chính mình. Đó là tầm vóc vĩ đại của nhửng con người bình thường.

Không những thế, vẻ đẹp nhân văn còn bộc lộ trong những quan hệ riêng tư, gắn kết con người với con người, đi sâu vào đời sống tình cảm của con nguời. Vẻ đẹp ấy hiện lên đằm thắm, nồng hậu, trọn vẹn cả hai mặt nghĩa và tình. Tinh thần trọng nghĩa khinh tài, quan niệm đạo lí thủy chung được đề cao trong những mối quan hệ gia đình, tình làng nghĩa xóm… giữa những người cùng chung cảnh ngộ. Ca dao là tiếng lòng tha thiết, làm đẹp thêm tâm hồn con người trongnhững ân tình nhắn nhủ hướng về quê hương, những con người cùng tâm tư, đồng điệu về cảm xúc. Từ đó, ca dao tạo nên những cung bậc trạng thái, cảm xúc uyển chuyển, đa dạng diễn tả tâm hồn người bình dân, hướng tới những giá trị ổn định, vững bền: thương người, tương thân tương ái, đoàn kết.

Đặc biệt, vẻ đẹp con người trong mối quan hệ với bản thân tạo nên tiếng nói nội tâm thầm kín và mãnh liệt nhất, luôn thể hiện tấm lòng nhân hậu, vị tha, hướng đến cái cao cả hoàn thiện. Vẻ đẹp đáng quí ở cái hồn nhiên chân thật, mạnh mẽ đầy cá tính, giản dị bộc trực. Bên cạnh đó là sự bay bổng của trí tuởng tượng ắp tràn ước mơ, khát vọng sống của người lao động.

Giá trị của chất nhân văn trong ca dao: giúp người đọc khám phá những vẻ đẹp hiện thực cuộc sống bình thường, làm phong phú nhận thức của con người, nâng cao đời sống tinh thần và bồi đắp tâm hồn con người ngày càng tốt đẹp hơn. Chất nhân văn là kết tinh, hội tụ giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc, tạo nên sức cuốn hút, hấp dẫn mọi thế hệ, là sự gắn kết mạch nguồn dân tộc từ quá khứ đến tương lai.


Theo tác giả Trần Hà Nam

Trần tộc Mỹ Á

Làng cổ Long Thuỷ


Vị trí

Làng Long Thuỷ xưa có tên là Mỹ Á, thuộc xã An Phú, huyện Tuy An, nay thuộc TP Tuy Hoà, tỉnh Phú Yên. Từ trung tâm thành phố theo đường Hùng Vương ra QL1A, đi khoảng 7km đến khu vực đồi Thơm, rồi xuôi theo hướng Đông, đến sát bờ biển. Còn đi theo đường Độc Lập ra hướng Bắc thì chỉ 5km.

Làng Long Thuỷ nằm sát biển. Phía Bắc giáp thôn Ma Liên, Mỹ Quang xã An Chấn, huyện Tuy An. Phía Nam giáp ranh phường 9 còn mặt Đông là biển cả mênh mông. Long Thuỷ nổi tiếng có dừa xiêm uống nước rất ngọt, mát. Vườn dừa Long Thuỷ rợp bóng mát, quanh năm che phủ cả thôn.

Cảnh quan

Long Thuỷ quanh năm lộng gió, một loại gió hiu nhẹ từ biển thổi vào nên không khí rất trong lành. Ngoài khơi có hòn Chùa án ngữ trước mặt, cách bờ khoảng trên dưới 7 km nên bãi biển nông, thoai thoải… Lớp cát vàng mịn trên bãi rất sạch sẽ để du khách tắm biển, tổ chức vui chơi ngoài trời, cắm trại dã ngoại…

Phía giáp với Mỹ Quang có con suối nhỏ xuất phát từ các thôn Phú Phong, Phú Thạnh, Phú Qúi chảy qua cầu Đồng Nai rồi lặng lờ tuôn ra biển Mỹ Á. Con suối này không có tên gọi nhất định, lúc thì gọi là lạch Phú Quý, lúc gọi lạch Đồng Nai, lạch Mỹ Á… Suối không rộng, có thể nhảy từ bờ bên này sang bờ bên kia ở chỗ đoạn cầu Đồng Nai, nhưng ra gần cửa thì nới khoảng cách hai bờ ra xa hơn. Mực nước trong suối lúc cao nhất cũng chỉ tới thắt lưng, nhưng nước trong leo lẻo, thấy từng đàn cá lội; hai bên bờ lại có hàng dừa cao nghiêng mình soi bóng.

Đến Long Thuỷ, du khách còn được thưởng thức nhiều đặc sản như: nước dừa xiêm, mực hòn Chùa, cá thu Mỹ Á....cùng nhiều loại hải sản khác.

Ca dao có câu:

Muốn ra Mỹ Á ăn dừa

Sợ con sóng dữ nó lùa trở vô

Hay:

Muốn ra Mỹ Á ăn dừa

Sợ truông cát nóng, sợ đường đá dăm

Cát nóng đưa dép anh mang

Đá dăm em lượm còn than nỗi gì?

Dân ca Phú Yên đã có một bài hát tựa là Nẫu Ca theo làn điệu bài chòi xuân nữ trong đó có một đoạn nói về con mực Long Thuỷ – Hòn Chùa:

Hồi nào qua Phú Lễ ăn ổi chua

Xuống Đại Lãnh uống nước ngọt

Ra Hòn Chùa ăn mực nang

Chớ bây giờ em không ngó em không ngàng

Chồng nghèo cực khổ, gian nan cơ hàn.

Truyền thuyết

Về tên gọi Long Thuỷ, có truyền thuyết kể rằng, ngày xưa, đất Phú Yên bị hạn hán nhiều năm liền khiến dân chúng rất lầm than cơ cực vì không có nước để gieo trồng. Người dân lập đàn cầu mưa bao lần mà không được. Một trưa nọ, không rõ từ đâu có hàng ngàn hàng vạn con cóc vàng tràn về các nơi trai đàn, hòa giọng cùng tiếng trống sấm tạo thành âm thanh thôi thúc, bức bách. Thế là trời bỗng tối sầm, gió thổi ào ào, mây vần vũ, sấm chớp vang động. Từ trong những lằn chớp và mây đen kia bỗng xuất hiện con rồng khổng lồ, đầu chúc xuống biển hút nước rồi bay cuộn lên phía núi Chóp Chài, vươn thẳng lên không trung phun nước làm mưa. Những nơi rồng phun nước thẳng xuống, do áp lực quá mạnh nên tạo thành sông (sông Ba, sông Cái…), nhẹ hơn thì thành hồ ao. Nhờ vậy nên người dân có nước để gieo trồng, cày cấy. Khi rồng chúc đầu hút nước, đầu rồng nhằm vào biển Long Thủy nên có tên gọi như ngày nay.

Một câu chuyện khác lý giải như sau, bữa nọ, hai cha con họ Trần đi biển. Sau khi kéo lưới lên thuyền, vừa gỡ cá xong, chưa kịp quay vào bờ thì từ ngoài biển Đông bỗng đâu mây đen ùn ùn kéo đến, sà thấp sát mặt biển. Hai cha con trông thấy con rồng đen khổng lồ thò vòi dài từ trên cao hút nước biển. Rồng đen chưa bay lên phun nước thì bỗng đâu con rồng khác màu đỏ lao tới, giương nanh vuốt ra tranh với rồng đen hút nước. Hai con tranh nhau làm cho mặt nước hõm xuống, nước cuộn thành vòi bốc lên cao, sôi réo ầm ầm. Sóng cao chục trượng ập vào bờ, mưa xối như trút. Thuyền của cha con ông họ Trần bị đập văng lên bờ. Nhưng may là không ai bị thương vong. Sau này dân xứ này lập miếu thờ. Từ đó hai rồng thôi cuộn xoáy, tranh giành hút nước mà chỉ làm mưa, mưa đến chín chiều vào tháng Tư tháng Năm âm lịch hàng năm.
__________________
www.vietnamtourism.edu.vn

Gia tộc họ Trần (Báo Bình Định)

Gia tộc họ Trần
15:6', 14/3/ 2005 (GMT+7)

Đúng 6 giờ, ngày 12 tháng Giêng (Âm lịch), Từ đường họ Trần ở thôn Cảnh An, xã Phước Thành, huyện Tuy Phước đã cử hành lễ tế hiệp (cúng tế ông bà) lần thứ 89. Hàng trăm người - trẻ, già, lớn, bé, có những người chưa một lần bước ra khỏi làng, lại có những người vừa trở về từ một nơi rất xa và đây là lần đầu tiên họ gặp mặt nhau để nhận họ hàng và sợi dây huyết thống đã kéo mỗi người xích lại gần nhau hơn.

* Về với họ tộc

Từ đường họ Trần được xây dựng từ năm 1916.

Hàng năm, vào ngày 11 tháng Giêng, con cháu họ Trần lại lục tục kéo về từ đường ở thôn Cảnh Vân (nay là Cảnh An). Sau Tết năm nay trời trở lạnh. Trong hơi gió âm âm và những cơn mưa xuân rích rắc, trẻ, già, lớn, bé trong họ lui cui sửa sang, tôn tạo phần mộ cha ông. Ông Trần Bùi Thao, vị Chánh chủ tự của Ban quản trị họ năm nay đã bước qua tuổi 82, dáng người bệ vệ nhưng bước chân đã chậm. 21 năm giữ một cái chức "to" nhất họ, ông Thao đã luôn cố gắng gìn giữ nếp nhà để xứng đáng với lòng ngưỡng mộ và tôn vinh của bà con dòng tộc. Ông hoan hỉ khi tiếp chuyện với tôi: "Trời luôn ủng hộ họ Trần. Năm nay tảo mộ thật đông vui nhờ con cháu về đủ cả...".

Từ đường họ Trần được xây dựng từ năm 1916. Có lẽ, đây là ngôi từ đường cổ nhất trong tỉnh mà tôi có dịp ghé qua. Trước cổng từ đường một con voi đá đang phủ phục. Chính cửa có hàng chữ "Trần Từ đường môn" viết bằng chữ Hán, hai bên là câu đối "Nhập môn thủ luân lý" (Vào cửa phải giữ gìn luân lý) và "Tại hạ túc hộ trì" (Dưới mái được che chở)… Sau lễ tảo mộ, nam giới và phụ nữ trung niên bắt đầu sắp đặt, trang trí lại các khu thờ và sửa soạn một bữa cơm họp mặt. Mọi công việc đều được thực hiện một cách mau lẹ và tự giác. Những lúc ngưng tay, các bà mẹ thường tranh thủ gọi con đến giới thiệu với người họ hàng. "Mấy đứa nhà chị lớn mau ghê há, mới đó mà đã vào đại học hết rồi!" - tiếng một người phụ nữ thì thầm.

Họ đến và gắn kết với nhau trong tình cảm huyết thống. Vào ngày giỗ tổ, con, cháu, họ hàng, bà con xa, gần có dịp tề tựu để hỏi han, trò chuyện về việc làm ăn, giới thiệu con cái với nhau để "ra đường chúng còn biết phân định anh, em mà chào hỏi". Chị Trần Thị Ty ở Phú Hiệp (Tuy An, Phú Yên) năm nay dẫn con trai "đích tôn" vừa tròn 34 tháng tuổi về nhận họ. Tuy chỉ là con dâu của họ Trần, nhưng 16 năm qua, chưa năm nào chị Ty quên về giỗ tổ. Anh Tuấn chồng chị là hậu duệ đời thứ 9 của họ Trần ở Quý phái Phú Hiệp. "Họ hàng bên chồng chính là nguồn cội của con. Có tới, có lui thì mới nảy sinh tình cảm…"- chị Ty tâm sự.

* Cây có cội, người có nguồn

Theo lời kể của ông Trần Bùi Thao, vị thái thủy tổ họ Trần là hậu duệ đời thứ 12 của An Sinh Vương Trần Liễu. Thái thủy tổ, không rõ vì một lý do nào đó đã phải đưa 3 người con từ đất Bắc "lánh nạn" vào tận vùng sơn cước Đàng Trong. Người con cả (thủy tổ đại lang) là Trần Hữu Đức dạt lên vùng Cảnh Vân (Phước Thành bây giờ), còn hai người em thì vào tận Phú Hiệp và Mỹ Á (tỉnh Phú Yên). Ông tổ Trần Hữu Đức ở làng Cảnh Vân đến đời thứ 4 đã "tẽ" ra thành nhiều chi phái, các nhánh và đến nay đã có hậu duệ đời thứ 13 với gần 300 hộ tộc viên sống tập trung ở làng Cảnh An và nhiều địa phương khác.

Ngày giỗ tổ họ Trần gần một thế kỷ nay đã trở nên quen thuộc không chỉ với người trong họ. Sáng nay, lúc hỏi thăm đường đến nhà ông Trần Bùi Nghê, tộc quản và cũng là trưởng ban khuyến học của dòng họ Trần, người thợ sửa xe máy ở đầu làng đã khẳng định như đinh đóng cột: "Ông Nghê giờ này đã có mặt ở từ đường rồi!".

Tùng… tùng… tùng…, những tiếng trống vọng ra dập dồn từ một chòm nhà phía xa xa. Một người dân thốt lên: "Từ đường cúng rồi!". Trong đời sống của người thôn Cảnh An, ngày giỗ tổ họ Trần từ bao năm nay đã trở nên gần gũi, thân quen như tập quán của cả làng, cả xã.

Cây có gốc có rễ, người có cội có nguồn. Trong lễ tế hiệp của tộc Trần năm nay, tôi gặp anh Trần Hữu Thân, 34 tuổi, kỹ sư cầu đường, hiện đang định cư tại California (Mỹ). Trở về quê hương sau 17 năm xa cách, anh Thân đã bật khóc trong ngày giỗ tổ. Anh tâm sự: "Tôi đã có gia đình, có con ở nước ngoài, lần này về nước là muốn giới thiệu "bà xã" với họ hàng...".

Quê hương nếu ai không nhớ… và quê hương chỉ tồn tại và theo suốt mỗi người bằng những gì rất hữu hình như mùi thơm của lúa chín, của những mơ ước theo cánh diều no gió tuổi ấu thơ… và đối với người con họ Trần, còn là tiếng trống họp họ, là những đêm sum vầy trong ngày giỗ tổ, là sợi dây tình cảm huyết thống ấm áp, thiêng liêng.

* Truyền thống là sức mạnh

Lễ tế hiệp và tảo mộ của con cháu họ Trần được tổ chức vào ngày 12 tháng Giêng hàng năm.

Bàn thờ tổ họ Trần có 5 gian. Trong khung cảnh bài trí linh thiêng của nơi thờ cúng, tôi thấy có khá nhiều binh khí và cờ lọng. Ông Trần Bùi Thao giải thích: "Thời xưa, họ Trần có võ phát quan Tam phẩm lãnh binh Trần Hữu Tam và văn phát khoa Tam phẩm thương tá tỉnh vụ Trần Đình Tân về vinh quy bái tổ nên mới được phép thờ lễ bộ và lọng...".

Dưới bàn thờ văn phát khoa, những học sinh có thành tích học tập xuất sắc được họ trao học bổng và phần thưởng khuyến học. Ban khuyến học dòng họ Trần được thành lập từ năm 2003, nhưng những hoạt động khuyến học của họ thì đã có từ rất lâu rồi. Người họ Trần vẫn tự hào là họ đầu tiên đứng ra mở trường (Trần tộc Học hiệu) để dạy chữ Quốc ngữ cho con cháu trong họ và trong vùng từ trước Cách mạng Tháng 8-1945. Quả vậy, lần trước lên Phước Thành tìm hiểu về chuyện khuyến học của xã, ông Trần Bùi Nghê có dẫn tôi xuống chân núi Thôn để viếng một ngôi mộ cổ. Đó là mộ của thầy giáo Quỳ - một trong những người đã dạy học tại "Trần tộc Học hiệu". Thầy Quỳ quê ở Phước Hiệp, có cha đậu cử nhân Hán học. Ông là người văn hay, chữ tốt nhưng bất đắc chí vì học tài thi phận. Trần tộc Học hiệu là trường học đầu tiên khai khoa học vấn tân học cho người dân ở đây và sau bao thăng trầm, thay đổi, nó chính là tiền thân của Trường THCS Phước Thành ngày nay.

Ngày nay, trong lòng mỗi người con họ Trần luôn ý thức rất rõ về truyền thống của họ tộc. Trong câu chuyện kể của người lớn tuổi trong họ, thường lấp lánh những tấm gương hiếu học và khát vọng vươn lên trong học tậpï. Ngày xưa, muốn cho con đi học và đỗ đạt đối với một gia đình không mấy dễ dàng, nên cả họ phải "chung sức".Cũng nhờ tinh thần đoàn kết, tương ái đó mà họ Trần đã có nhiều người học giỏi và đỗ đạt như ông Trần Đình Phô - được cả họ nuôi ăn học cho đến khi lấy được bằng Đip-lôm, được ghi tên vào bảng danh dự của Trường College de Quy Nhơn mà mỗi học sinh đi qua đều phải ngả mũ chào. Đến thời nay, đã có 150 sinh viên "họ Trần" tốt nghiệp nhiều ngành, nhiều đại học khác nhau ra trường, nhiều người trong số đó tiếp tục học lên cao học, tiến sĩ...

Trong ngày giỗ tổ, con cháu ở xa thường về vấn an sức khỏe những người lớn tuổi trong họ tộc.

Để khuyến khích con cháu hiếu học và học giỏi, tộc Trần có một quy định: Mỗi hộ tộc viên, mỗi năm góp về họ 50.000 đồng hoặc tùy lòng hảo tâm để cúng giỗ tổ tiên, 20.000 đồng góp cho quỹ khuyến học. Trong lễ trao học bổng khuyến học năm nay, có 15 HS, SV đã vinh dự được nhận học bổng của họ. Ông Trần Bùi Nghê cho biết: "Phương châm của họ là khuyến khích con cháu vào đại học. Gia đình nào nghèo, không có tiền chu cấp cho con đi học thì được họ nuôi cho đến khi ra trường". Bởi thế, mỗi khi con, cháu nào trong họ đậu đại học, Ban quản trị họ sẽ phát ngay 200.000 đồng tiền tàu xe để nhập trường. Bên cạnh đó, hàng năm họ Trần còn cấp 1 học bổng và 4 phần thưởng cho HS Trường THCS Phước Thành có thành tích học tập xuất sắc để khuyến khích phong trào khuyến học ở địa phương.

Trăm nhà tạo nên làng, xã, trăm họ làm nên đất nước, dân tộc. Chia tay họ Trần, tôi vẫn còn nhớ những lời dặn dò của ông tộc trưởng với cháu con: "Hãy giữ gìn tư sở, mồ mả, gia phả tổ tiên để dòng họ ta ngày một đông vui, giữ gìn truyền thống hiếu thảo, sống có đạo lý, nghĩa tình và xây dựng dòng họ ta thành một dòng họ khuyến học. Tất cả con cháu trong độ tuổi đều được cắp sách đến trường. Họ Trần sẽ không có người phạm pháp, mắc các tệ nạn xã hội, không có con, cháu nào gây rối, làm mất trật tự công cộng địa phương, gây tổn hại đến uy tín dòng họ". Anh Trần Hà Nam - một công dân đời thứ 10 của họ Trần đã nói với tôi: "Niềm tự hào dòng tộc đã nâng tôi lớn dậy rất nhiều...".

. Quỳnh Hoa

Thursday, November 26, 2009

Khuyến học họ Trần (Cảnh Vân, Phước Thành)

Trao học bổng cho con cháu trong họ.

Dòng họ Trần ở Cảnh Vân - Phước Thành (Tuy Phước) là một trong số ít dòng họ ở Bình Định lập quỹ khuyến học trong gia tộc - một cách làm hay của công tác xã hội hóa giáo dục trong cộng đồng.

Trong ngôi nhà thờ của dòng họ Trần ở thôn Cảnh Vân, xã Phước Thành, huyện Tuy Phước có một gian thờ đặc biệt mà không phải từ đường dòng họ nào cũng có. Đó là gian “Văn võ phát khoa”, nơi thờ tự các bậc tiền nhân đỗ đạt đầu tiên của dòng họ. Cùng với gian thờ tổ tiên, gian thờ “Văn võ phát khoa” được lập nên nhằm mục đích động viên và khuyến khích con cháu lập thân bằng con đường học vấn.

Truyền thống khuyến học của dòng họ Trần - Cảnh Vân đã có từ xưa và khoảng 10 năm nay đã trở thành phong trào chung của các gia đình trong họ. Ngày Tế hiệp hàng năm (12 tháng giêng âm lịch) cũng là ngày dòng họ Trần - Cảnh Vân tổ chức khen thưởng cho các con cháu có thành tích cao trong học tập hoặc biết vượt khó khăn để học tốt. Năm nay họ Trần có 15 học sinh trung học và sinh viên đại học được nhận học bổng của dòng họ. Mỗi học bổng tùy theo thành tích và cấp học mà có giá trị từ 100 đến 450 ngàn đồng. Quỹ khuyến học của họ Trần - Cảnh Vân ra đời từ năm 1993 với sự đóng góp của nhiều người trong họ. Mỗi năm có từ 15 đến 20 con em họ Trần được hưởng hỗ trợ từ quỹ này. Năm nay, ông Trần Bùi Nghê - tộc quản họ Trần - được bà con trong họ bầu là trưởng ban khuyến học của dòng họ, và cũng từ năm nay, tất cả các thành viên của họ Trần - Cảnh Vân đều trở thành hội viên Hội khuyến học, tham gia đóng góp cho quỹ khuyến học của họ Trần.

Những cố gắng trong việc khuyến học 10 năm qua của dòng họ Trần - Cảnh Vân đã có kết quả. Cả dòng họ Trần hiện đã có khoảng 150 người có trình độ từ đại học trở lên, trong đó có cả tiến sĩ, thạc sĩ, phần lớn đang sống và phục vụ tại quê hương.

Vài năm gần đây điều đặc biệt ở họ Trần - Cảnh Vân là số nữ sinh học giỏi ngày càng tăng, các gia đình quan tâm nhiều hơn đến việc học hành của con cái. Ngày nay ở họ Trần, được nhận học bổng của dòng họ trong ngày Tế hiệp, không chỉ là phần thưởng vật chất mà còn là niềm vinh dự lớn lao về tinh thần mà mỗi gia đình đều cố gắng thi đua phấn đấu. Cách thức xây dựng Quỹ khuyến học ở họ Trần là một kinh nghiệm hay về thúc đẩy xã hội hóa giáo dục, rất đáng để cộng đồng học tập.

. Ngọc Diên

Tiến sĩ TRẦN ĐÌNH SƠN

NGUYỆT SAN

TS. TRẦN ĐÌNH SƠN:
“Về Việt Nam giảng dạy là niềm vui lớn nhất của tôi”
19:57', 29/1/ 2008 (GMT+7)

TS. Trần Đình Sơn (hiện Cố vấn khoa học Trung tâm Nghiên cứu Nguyên tử Saclay - Pháp), là một nhà khoa học người Bình Định. Trước thềm năm mới, PV. Báo Bình Định đã có cuộc phỏng vấn ông, về những kỷ niệm và những suy nghĩ tâm huyết của ông với quê hương.

TS Trần Đình Sơn (giữa) cùng các đồng nghiệp ở Pháp. Ảnh: T.X

* Ký ức tuổi thơ

* Ông là người sinh ra và lớn lên ở Bình Định. Vậy khi nhớ về quê hương và tuổi thơ, ông nhớ nhất điều gì?

- Có lẽ, cũng như phần đông mọi người, tuổi thơ là tuổi vô tư, nên thường có nhiều kỷ niệm đẹp, ghi sâu vào tâm trí. Hè năm 1953, sau khi học hết lớp bảy, anh tôi và tôi không được tiếp tục theo đuổi đường học vấn, phải về quê sống với ruộng vườn. Anh tôi, mới 16 tuổi, nhưng giỏi cày bừa không kém nông dân “thứ thiệt”. Còn tôi, vì còn nhỏ, nên có phận sự chăm sóc đàn bò. Tôi lo cho chúng đến mức, nhiều khi tôi có cảm tưởng thương chúng hơn cả bản thân mình. Chiều tối, ba tôi kéo “cần vọt” lấy nước, hai anh em tôi xách nước tưới rau và cây trái trong vườn. Đời sống khi đó cơ cực và thiếu thốn, nhưng mọi người ai cũng thương yêu nhau, nên đối với tôi, đó là khoảng thời gian đẹp nhất đời mình.

Năm 1955, thầy má chúng tôi bán bò, dời nhà xuống Quy Nhơn để chúng tôi được tiếp tục đi học. Một hôm về thăm quê, tình cờ thấy mấy con bò của mình đang đi ngoài đường, bỗng nhiên chạy qua cổng rồi chui vào chuồng cũ, dù người chủ mới hết sức ngăn cản, tôi rơm rớm nước mắt. Thì ra, không chỉ tôi nhớ đến chúng, mà chúng cũng vẫn còn nhớ đến tôi!

TS. Trần Đình Sơn là con trai cụ Trần Đình Tân (tự Lữ Tiên, hiệu Hà Trì). Cụ Trần Đình Tân sinh năm 1893 tại thôn Cảnh An, xã Phước Thành, huyện Tuy Phước, đậu Cử nhân năm 1915, làm đến chức Thương tá Tỉnh vụ Ninh Thuận thì về hưu năm 1945. Trong kháng chiến chống Pháp, cụ giữ chức Hội trưởng Liên Việt huyện Tuy Phước, Ủy viên Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Tuy Phước. Năm 1956 làm Chánh Văn chỉ Tuy Phước, rồi Hội trưởng Hội Khổng học tỉnh Bình Định. Cụ mất năm 1979. Tác phẩm của cụ còn để lại rất nhiều, gồm thơ, văn, đối, liễn, sách thuốc… chữ Hán, Nôm, Quốc ngữ. Đặc biệt, trong tập Danh nhân kiệt tác tạp biên, có chép thư của Ủy ban Kháng chiến Chính phủ Việt Nam gửi quốc dân đồng bào năm 1947, của cụ Huỳnh Thúc Kháng. Đây là một bản sao quý về bức thư này còn giữ đến nay.

* Nhớ về người cha, ông nhớ nhất điều gì?

TS. Trần Đình Sơn sinh năm 1941, tại Tuy Phước; tốt nghiệp Cử nhân Khoa học Vật lý (1964); TS. Đệ tam cấp về Hóa phóng xạ (1967), TS. Khoa học Lý Hóa (1970). Từ năm 1970 đến nay, ông nghiên cứu về Cộng hưởng từ hạt nhân và đã thành lập 4 phòng thí nghiệm; trong đó, có một phòng chuyên về phổ và hình cộng hưởng từ áp dụng vào y học và đã xuất bản hai tập sách về Phổ cộng hưởng từ hạt nhân. Hiện ông là Cố vấn khoa học Trung tâm Nghiên cứu Nguyên tử Saclay.

- Trong kháng chiến chống Pháp, ba tôi bị bệnh đục thủy tinh thể, nên đôi mắt mờ dần. Dầu vậy, tinh thần ông vẫn rất sáng suốt. Ông hướng dẫn chúng tôi làm tất cả các việc đồng áng. Trước đó, tuy đi làm việc xa nhà bao nhiêu năm, nhưng ông vẫn còn nhớ rõ vị trí và đặc tính từng khoảnh ruộng. Ông thường làm thơ, những lúc nhàn rỗi, trên đường đi tản cư hay lúc chờ ở hầm trú ẩn, để khích lệ, khuyên nhủ con cháu. Điều tôi thán phục nhất ở ông là lòng vị tha. Lúc còn đi làm, ông vẫn nuôi và giúp con cháu trong họ đi học. Lúc về làng, ông sưu tầm những phương thuốc hiệu nghiệm, để ghi vào bộ sách thuốc đang soạn. Trong nhà tôi, bao giờ cũng sẵn thuốc để giúp bà con khi cần. Dù nửa đêm hay mờ sáng, ông vẫn vui vẻ cho thuốc và tận tâm chỉ cách điều trị cho người bệnh. Trong thời kỳ kháng chiến, rất nhiều người trong xóm đã nhờ ông chữa bệnh và ông luôn chữa miễn phí cho bất cứ ai.

* “Cố gắng, quyết tâm và bền chí”

* Những ký ức tuổi thơ ấy cùng hình bóng quê nhà có giúp gì ông trên con đường làm khoa học ở xứ người?

- Sau hiệp định Genève, những bậc đàn anh còn trẻ và có học thức đều tập kết ra Bắc. Chúng tôi, dù muốn dù không, cũng trở thành “đàn anh” trong làng. Những năm tháng đó đã hun đúc ước mơ của tôi là gắng đi xa trên đường học vấn, để một ngày nào đó, trở về đào tạo lớp đàn em, theo kịp trình độ khoa học của các nước tiên tiến…

* Ông từng về Việt Nam giảng dạy về vật lý cộng hưởng từ (1979, 2003) và báo cáo khoa học (1985). Hẳn những việc làm đó cũng xuất phát từ thôi thúc trên?

- Hè năm 1964, sau khi tốt nghiệp Cử nhân Khoa học ở Đại học Sài Gòn tôi được cấp học bổng sang Pháp để soạn luận án Tiến sĩ khoa học. Tôi ra nước ngoài học, cũng với mục đích là trở về góp phần dựng xây đất nước. Cho đến nay, dù có đủ khả năng, nhưng tôi vẫn sống đạm bạc trong một gian nhà nhỏ, lúc nào cũng mong được về sống ở Việt Nam. Sau năm 1975, tôi là một trong những người đầu tiên về thăm Việt Nam năm 1977 với giấy thông hành của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (lúc đó, tôi chưa nhập quốc tịch Pháp).

TS Trần Đình Sơn (thứ hai từ phải qua) trong lần thuyết trình tại Bệnh viện Nhân dân 115 (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: T.X

Năm 1979, một giáo sư Trường Bách khoa Pháp và tôi, được GS.VS Nguyễn Văn Hiệu (lúc đó là Viện trưởng Viện Vật lý), mời tổ chức khóa học đầu tiên tại Việt Nam về Cộng hưởng từ hạt nhân. Năm 1985, tôi đem cả gia đình về thăm Việt Nam và nhân tiện tổ chức nhiều buổi thuyết trình tại Đại học Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh và vài thành phố khác ở miền Trung về các phương pháp chụp hình bằng cộng hưởng từ hạt nhân áp dụng vào y học. Khi ấy, đây là một phương pháp rất hiện đại, chỉ có vài nước phát triển trên thế giới mới có máy này. Ngay ở Pháp cũng chỉ có một máy chụp duy nhất đặt ở Bệnh viện Kremlin - Bicêtre (Paris) do chúng tôi sử dụng. Trong những lần về thăm Việt Nam sau này, tôi được các đơn vị khác như Viện Hóa học (Hà Nội), Trung tâm Chẩn đoán Y khoa TP. Hồ Chí Minh và các bệnh viện ở TP. Hồ Chí Minh... mời thuyết trình. Về Việt Nam giảng dạy là niềm vui lớn nhất của tôi.

* Ông có kinh nghiệm gì trao đổi với các bạn trẻ Bình Định hôm nay cũng đang có ước mơ lập thân, lập nghiệp?

- Theo tôi, điều kiện quan trọng để tiến đến thành công là cố gắng, quyết tâm và bền chí.

* Giả dụ có những sinh viên hay bạn trẻ Bình Định muốn được ông tư vấn hay hướng dẫn về khoa học, về hướng đi, ông có vui lòng nhận lời?

- Thật tình mà nói, không hiểu tại sao khi về hưu người ta lại bận hơn lúc còn tại chức. Hiện tôi đang cố gắng viết thêm bộ sách về cộng hưởng từ dùng trong y học, nhưng công việc tiến triển không nhanh như ý muốn. Ngay trả lời email, tôi cũng không đủ thời gian, nên chỉ trả lời những mail thật quan trọng. Tuy nhiên, nếu các bạn trẻ có nhu cầu, tôi sẽ tư vấn cho những sinh viên đã hay sắp tốt nghiệp đại học muốn đi sâu vào lĩnh vực khoa học.

* “Giữ một truyền thống gia đình”

TS. Trần Đình Sơn cũng là người nhiệt tâm với phong trào khuyến học địa phương. Theo cụ Trần Bùi Nghê, quản tộc họ Trần ở xã Phước Thành (một dòng họ có những cách khuyến học hiệu quả và có số con cháu học hành đỗ đạt khá đông), hằng năm, TS. Trần Đình Sơn đều gửi tiền về đóng góp vào quỹ khuyến học dòng họ.

* Lý do nào khiến ông hằng năm vẫn gửi tiền về đóng góp vào quỹ khuyến học của dòng họ ?

- Điều này đã thành truyền thống gia đình. Ngày xưa, ba tôi đã giúp con cháu trong họ đi học, ngày nay, tôi muốn duy trì nghĩa cử cao đẹp đó để con cháu của chúng tôi noi theo.

* Nhân năm mới, ông nói gì về mong ước của ông cũng như những nhà khoa học Việt kiều, hiện nay?

- Hiện nay, ở nước ngoài, có rất nhiều Việt kiều là chuyên gia ở nhiều ngành, lĩnh vực. Tuy hiện giờ, họ đã về hưu, nhưng phần lớn vẫn còn rất năng động, có thiện chí mong được về giúp quê hương. Hy vọng rằng, thời gian tới, nhà chức trách sẽ có thêm nhiều chính sách, khuyến khích họ trở về phục vụ quê hương, cũng như tạo điều kiện để họ về sinh hoạt lâu dài tại Việt Nam.

* Xin cảm ơn TS.

  • Lê Viết Thọ (Thực hiện)

Lỗ hổng Ozone có gây nguy hại cho con người không?

Dr. TRAN-DINH Son (Pháp)

Theo Báo "Associated Press" đăng ngày 16 tháng 9 năm 2009, chính quyền Obama vừa tuyên bố : "Từ nay Mỹ, Gia Nã Đại và Mễ Tây Cơ sẽ chủ trương biến đổi "Nghị quyết Montreal" (Protocole de Montréal) về việc bảo vệ lớp ozone thành một công cụ làm giảm các chất hydrofluoro-carbones (HFC). Các hóa chất này là những khí gây ra "hiệu ứng nhà kính" rất mạnh. Trong "Nghị quyết Montreal" với mục đích chống lại "lỗ hổng trong lớp ozone" và có hiệu lực kể từ năm 1989, các nước tham dự đã khuyến khích việc dùng HFC để thay thế CFC (chlorofluoro carbones) trong các máy lạnh, máy điều hòa không khí. Bởi vì chính các khí này (CFC) đã gây ra lỗ hổng ozone nên hiện nay không còn dùng nữa.
Các khí HFC tuy không phá hủy lớp ozone nhiều bằng CFC, nhưng chúng lại làm tăng hiệu ứng nhà kính : năng suất sưởi ấm toàn bộ của HFC lớn gấp 10.000 lần năng suất của khí carbonic (CO2). Mặc dù thành phần của các khí HFC chỉ vào khoảng 2% trong tất cả các khí sưởi ấm bầu không khí, nhưng vì kể từ đây chúng sẽ được thông dụng nên đến nửa thế kỷ thứ 21 thành phần của chúng có thể sẽ tăng lên đến một phần ba. Vì lẽ đó mà chính quyền Obama cho rằng việc dùng HFC để thay thế CFC là một quyết định vô trách nhiệm.
Báo "Le Monde" đăng ngày 16-09-09 tỏ vẻ lo ngại vì còn chưa đầy ba tháng là đến hội nghị thượng đỉnh về hiện tượng sưởi ấm khí hậu ở Copenhague, sự thương nghị như vậy sẽ bị đình trệ. Tờ Gardian, đăng ngày 15-09-09 còn bi quan hơn, phỏng định rằng cuộc đàm phán sẽ bế tắc do sự bất đồng ý kiến giữa Mỹ và Âu châu.
Nhưng bây giờ chúng ta hãy gác lại một bên vấn đề sưởi ấm khí hậu và tập trung vào việc tìm nguyên nhân của lỗ hổng ozone. Câu chuyện này bắt đầu vào những năm 1980, các quan sát viên về khí tượng nhận thấy rằng mỗi năm sau mùa đông, lớp ozone ở trên thượng tần khí quyển của vùng Antarctique bị phá hủy rất nhiều. Trong suốt ba tháng mùa đông, vào khoảng 50% toàn bộ lượng ozone ở miền Nam cực biến mất và sự tổn thất về ozone có khi lên đến 90% nên được mệnh danh là lỗ hổng ozone. Lỗ hổng này được Joseph Farman, Brian Gardiner et Jonathan Shanklin thuộc nhóm "Quan sát vùng Antarctic của anh quốc" khám phá năm 1985.
Theo các chuyên gia (phần đông là các chuyên viên nghiên cứu về khí quyển, về lớp ozone hay thuộc các viện nghiên cứu về thời tiết của một số quốc gia) thì sự phá hủy lớp ozone là do các nguyên tử chlore hay brome của các halogéno-carbone như các chlorofluorocarbone (CFC). Nhưng điều rất ngạc nhiên là các halogéno-carbone này là những hóa chất rất bền (có đời sống trung bình vào khoảng một trăm năm), không làm hư hại môi trường và thường được dùng làm thuốc mê hay trong các máy làm lạnh, máy điều hòa không khí, trong các bình xịt hơi, hay để chửa lửa v.v.. Các chuyên gia nói trên cho rằng các phân tử CFC khi lên đến lớp thượng tần khí quyển (có độ cao từ 10 đến 40 km), sẽ bị phân hủy bởi các tia tử ngoại "có năng lượng rất lớn" để cho ra những nguyên tử chlore. Những nguyên tử này có thể phá hủy các phân tử ozone rồi chúng sẽ được điều chế trở lại nhờ những phản ứng khác tiếp theo. Thành thử một phân tử chlore có thể phá hủy đến 100.000 phân tử ozone. Lối giải thích này đã làm cho cả thế giới lo ngại và có lẽ vì vậy mà vỏn vẹn chỉ có hai năm, sau ngày khám phá ra lỗ hổng ozone ở Antarctic, thì "Nghị Quyết Montreal" ra đời (1987). Tuy nhiên tôi nghĩ rằng những lý do mà các chuyên gia đưa ra để giải thích lỗ hổng trong lớp ozone hoàn toàn không hợp lý và không đúng sự thật.

Sau đây là vài khái niệm về quang hóa học: Trong hiện tượng quang phân là hiện tượng phân hủy các hóa chất bằng ánh sáng, các tia tử ngoại (tia UV) có năng lượng cao có thể bẻ gãy một liên kết có năng lượng thấp của các phân tử để cho ra các "gốc tự do" (radical libre hay free radical). Sau đó các "gốc tự do" này sẽ kết hợp lại với nhau hay tác động trên các các phân tử khác để tạo ra những phân tử hay những "gốc tự do" mới. Thí dụ, khi một tia tử ngoại (tia UV) do mặt trời phát ra đến trái đất và gặp một phân tử oxygen (O2) ở thượng tần khí quyển, nó sẽ bẻ gãy liên kết của O2 để cho ra 2 "gốc tự do" tức là nguyên tử oxygen (O2 → O + O). Hai nguyên tử này có khả năng phản ứng rất mạnh nên không thể ở lâu trong trạng thái tự do. Chúng sẽ kết hợp với nhau để hoàn lại phân tử oxygen (O + O → O2) hay phản ứng với phân tử oxygen để cho ra ozone (O + O2 → O3) (phản ứng này giải thích tại sao có ozone ở trong lớp thượng tần khí quyển). Khi nồng độ của ozone khá lớn, ozone sẽ bị tia UV phân hủy để cho ra một nguyên tử và một phân tử oxygen (O3 → O + O2).
Trong phòng thí nghiệm, phản ứng quang phân của oxygen có thể thực hiện bằng cách dùng một bóng đèn đựng khí iode (phát ra tia tử ngoại có làn sóng bằng 253,7 nm). Ta chỉ cần thắp một bóng đèn iode trong vài phút là ngửi thấy mùi hôi khó chịu của ozone. Các động cơ nổ của xe hơi, các máy điện trong kỷ nghệ phát ra nhiều tia chớp có chứa tia tử ngoại nên cũng tạo ra ozone. Các phản ứng quang phân xảy ra rất nhanh chóng trong khoảng một vài phần triệu giây và thời gian sống của các "gốc tự do" cũng rất ngắn, từ vài phần triệu giây đến vài phần mười giây.
Tóm lại, oxygen bị tia tử ngoại quang phân cho ra ozone và ozone bị quang phân thì hoàn lại oxygen. Nhờ vậy mà lượng oxygen trong bầu không khí gần như không thay đổi và không phụ thuộc vào thời gian chiếu của mặt trời, dù là hàng tỷ năm. Và khi nào có tia tử ngoại (của mặt trời) và còn oxygen là có ozone. Một mặt khác, mặc dù nồng độ của oxygen giảm xuống khi lên cao độ nhưng lượng oxygen ở thượng tần khí quyển củng đủ để hấp thụ phần lớn các tia UV từ mặt trời chiếu đến. Sự hấp thụ tia tử ngoại của oxygen lại còn hiệu quả hơn khi xuống gần mặt đất. Cho nên, sự hiện diện của ozone chỉ làm tăng sự phòng thủ của oxygen đối với tia tử ngoại : không có ozone, oxygen lâu ngày sẽ bị phá hủy vĩnh viễn bởi tia UV của mặt trời; nhưng không có oxygen thì lượng ozone nhỏ bé ở trên thượng tần khí quyển sẽ bị tiêu hủy trong khoảnh khắc. Vì vậy, sự khẳng định cho rằng lớp ozone đã che chở chúng ta khỏi bị tia tử ngoại làm hại là không đúng một cách hoàn toàn.

Một vài khái niệm về bầu khí quyển : Trong suốt mùa đông (tức là mùa hè ở bắc bán cầu), miền nam-cực của trái đất không nhận ánh sáng mặt trời. Việc chế tạo ozone bị gián đoạn. Do đó lớp ozone được tạo ra trước đây thu nhỏ lại, di chuyển đến vùng khác và luôn luôn thay đổi hình thể cũng như giống các đám mây trôi lơ lửng trên trời. Một lỗ hỗng trong lớp ozone ít nhiều rộng hẹp hiện ra vào mỗi mùa đông ở miền cực đạo. Nhưng hiện tượng này đã có như vậy từ hàng tỷ năm, mặc dù -theo như tôi biết- chưa ai để ý đến trước năm 1985. Tuy nhiên, lỗ hổng ozone này hoàn toàn vô hại vì là trong mùa đông, không có mặt trời để phát ra tia UV. Khi mùa xuân bắt đầu trở về miền cực đới, mặt trời hãy còn thấp ở chân trời. Các tia tử ngoại, trước khi chiếu đến mặt đất ở nam cực, phải xuyên qua lớp khí quyển của các vùng có vĩ tuyến nhỏ hơn (gần đường xích đạo) nên phần lớn bị oxygen ở các vùng này hấp thụ. Vì lẽ đó, lỗ hổng ozone ở miền Antarctic không thể được lấp đầy một cách nhanh chóng. Đó là lý do giải thích tại sao lỗ hổng ozone vẫn còn tồn tại sau mùa đông. Nhưng rồi mùa hè từ từ đến, mặt trời càng ngày càng lên cao trên bầu trời, ngày càng dài thêm, cường độ của luồng UV mỗi ngày mỗi mạnh và lỗ hổng ozone sẽ hoàn thành trở lại như xưa.
Ngày 18-8-2006, Tổ Chức Thời Tiết Quốc Tế (l'Organisation Météorologique Mondiale (OMM) và Chương Trình Liên hiệp Quốc về Môi Trường (Programme des Nations Unies pour l'Environnement (PNUE) đã đăng bản tường trình về sự biến chuyển của lượng ozone trong khí quyển do 250 chuyên gia trên thế giới thành lập. Trong đó có ghi rõ là "...trừ miền cực đạo ra, sự suy giảm của lượng ozone ở thượng tần khí quyển không còn nữa". Hay "Năm 2002, lớp thượng tần khí quyển đuợc sưởi ấm một cách khác thường nên không còn thấy hiện tượng phá hủy ozone". Hay "Trái lại ở miền Antarctic, từ 2004 đến 2005, một mùa đông băng giá đã làm cho lượng ozone xuống thấp". Gần đây (16-09-2009), nhân "Ngày quốc tế nhằm phòng vệ lớp ozone" (Journée Internationale de la préservation de la couche d'ozone), hội Khí Tượng và Khoa Học Khí Quyển (l’Association Internationale de Météorologie et des Sciences Atmosphériques, IAMAS) đã thông báo rằng lượng ozone toàn bộ không thay đổi mà còn có thể tăng lên, đặc biệt là ở các vùng có vĩ tuyến trung bình.
Như vậy sự thăng giảm bề ngoài về sự phá hủy lớp ozone ở miền Nam cực vào mùa đông trước tiên là liên hệ với sự thay đổi của ánh nắng mặt trời.

Vai trò của CFC hay của HFC : Một câu hỏi được đặt ra là các hóa chất hologeno-carbone có gây thêm ảnh hưởng nào không ? Tôi nghĩ rằng không vì nhiều lý do :
- Các phân tử CFC và HFC nặng hơn oxygen và nitrogen rất nhiều nên khó có thể bay lên đến thượng tần khí quyển với một nồng độ tạm đủ để thi đua với oxygen và ozone trong việc thu hút các tia tử ngoại.
- Không ai hiểu tại sao các phân tử này (CFC và HFC) lại có thể bị quang phân bởi các tia UV khi không có mặt trời ?
- Người ta cũng không hiểu tại sao các phân tử nặng và bền như CFC và HFC lại không bị quang phân ở thượng tần khí quyển, ngay trên đầu chúng ta, để tạo ra một lỗ hổng ozone tương tự mà phải du hành xa xôi đến miền Nam cực, nhưng lại không đến miền Bắc cực ?
- Cuối cùng, các kết quả đo lường không có vẻ chứng tỏ rằng khi mùa hè trở lại, lượng ozone năm nay lại ít hơn các năm trước.

Nói tóm lại, sự khẳng định cho rằng lớp ozone đã che chở chúng ta tránh khỏi các tia tử ngoại là không đúng một cách hoàn toàn. Trong việc hấp thụ các tia UV, chính oxygen mới thật sự đóng vai trò chủ yếu. Lỗ hổng ozone hiện ra vào mùa đông chỉ là một hiện tượng thiên nhiên, xảy ra mỗi năm một lần, từ hàng tỷ năm nay. Lỗ hổng này không gây một nguy hại nào cho con người bởi vì lúc đó không có mặt trời ở miền cực đạo. Giả thuyết cho rằng việc phá hủy lớp ozone ở miền Nam cực là do các nguyên tử chlore của chlorofluorocarbone (CFC) hay của các hóa chất tương tự có lẽ là một sai lầm lớn và hoàn toàn phi lý. Do đó việc thay thế CFC bằng HFC không những không cần thiết mà còn gây hại bởi vì các HFC vẫn nổi tiếng là những chất có năng suất sưởi ấm bầu khí quyển lớn gấp 10.000 lần khí carbonic. Cho nên nếu sự suy luận trình bày ở trên không sai lệch thì sự thay thế CFC bằng HFC có lẽ nhằm phục vụ quyền lợi kinh tế và tài chánh cho một số công ty và kỷ nghệ gia, bởi vì bằng sáng chế của họ về các chất này đã (hoặc sắp) đến ngày hết hạn.

Viết tại Saclay ngày 5 octobre 2009
Dr TRAN-DINH Son
Cố vấn khoa học của Nguyên tử lực cuộc Pháp
Adresse e-mail : trandinhs@yahoo.com
(Xin mời đọc toàn văn tiếng Pháp và tiếng Anh do tác giả Trần Đình Sơn tự dịch trên trang http://tranhanam.wordpress.com)

Thơ Hà Trì

2
病 中 作
屈 指 行 庚 三 十 年
端 陽 節 後 病 初 傳
六 湯 姜 附 投 非 法
一 散 參 苓 解 得 全
壽 國 活 人 權 亦 將
調 元 贊 化 力 回 天
此 身 剩 有 江 山 助
疾 病 期 將 數 日 痊



Phiên âm:
Bệnh trung tác
Khuất chỉ hành canh tam thập niên
Đoan dương tiết hậu bệnh sơ truyền
Lục thang khương phụ đầu phi pháp
Nhất tán sâm linh giải đắc tuyền
Thọ quốc hoạt nhân quyền diệc tướng
Điều nguyên tán hoá lực hồi thiên
Thử thân thặng hữu giang san trợ
Tật bệnh kỳ tương sổ nhật thuyên

Dịch nghĩa :
Đang bệnh làm thơ
Bấm đốt tay tính tuổi thì được ba mươi
Sau tiết đoan dương thì bệnh bắt đầu phát
Đầu sáu thang khương phụ lý âm chẳng trúng cách
Uống một tán sâm linh hoà giải mới được toàn mệnh *
Làm thầy thuốc cứu cho người sống cũng như làm tướng
Khiến nguyên khí điều hoà, khí huyết lưu chuyển thì có sức như xoay trời trở lại
Thân này có thừa sự giúp đỡ của sông núi
Thì đau ốm chừng vài bữa nữa sẽ khỏi hẳn.

Nguyên chú: Thầy thuốc họ Ngô đầu thang không trúng cách, nhờ quan nguyên Án sát Bình Thuận họ Nguyễn cho uống thang Hoà giải bệnh mới chịu lui.

Dịch thơ :
Đang bệnh làm thơ
Bấm đốt vừa ưa tam thập niên
Sau ngày đoan ngũ bệnh sơ truyền
Sáu thang khương phụ phương không trúng
Một tán sâm linh mạng mới tuyền
Trợ cứu nước dân quyền tợ tướng
Điều hoà khí huyết sức hồi thiên
Thân này được nước non phò hộ
Thì ắt vài hôm bệnh sẽ thuyên


3
中 數 詩
此 身 本 是 國 家 身
賦 予 原 來 不 是 貧
赫 赫 洋 洋 陰 佑 相
生 生 化 化 默 通 神
秋 來 仟 眾 求 千 數
臘 到 惟 吾 中 萬 銀
富 貴 風 流 將 利 用
江 山 眉 目 畫 添 春

Phiên âm:
Trúng số thi
Thử thân bản thị quốc gia thân
Phú dữ nguyên lai bất thị bần
Hách hách dương dương âm hựu tướng
Sanh sanh hoá hoá mặc thông thần
Thu lai thiên chúng cầu thiên số
Lạp đáo duy ngô trúng vạn ngân
Phú quý phong lưu tương lợi dụng
Giang sơn mi mục hoạ thiêm xuân

Dịch nghĩa :
Thơ trúng số
Thân này chính thị thuộc về nhà nước,
Trời phú cho vốn chẳng nghèo.
Thần thánh hiển hách ngầm giúp đỡ,
Sanh sôi và chuyển hoá cứ lặng lẽ biến thông.
Sang thu, ngàn người mong trúng số ngàn đồng,
Tháng chạp tới, chỉ mình ta trúng tiền vạn.
Giàu sang và thong thả đều được cả hai,
Mở mày mở mắt với đời như mùa xuân tô điểm thêm bức tranh sông núi.

Dịch thơ:
Thơ trúng số
Thân này chính thị quốc gia thân,
Trời phú cho ta vốn chẳng bần.
Phò trợ âm thầm uy hiển hách
Hoá sanh lặng lẽ sức thông thần
Thu sang lắm kẻ mong thiên số.
Chạp đến riêng ta trúng vạn ngân.
Phú quý phong lưu đều được cả
Mặt mày rạng rỡ nước non xuân !

4
其 二
自 問 身 非 獨 有 身
洪 鈞 賦 予 豈 為 貧
只 緣 少 學 無 私 貨
故 此 今 需 剩 俸 份
常 把 靈 臺 安 處 善
必 然 名 祿 大 駢 臻
辰 來 風 送 鴻 毛 順
富 貴 榮 華 一 樣 新


Phiên âm:
Kỳ nhị
Tự vấn thân phi độc hữu thân
Hồng quân phú dữ khởi phi bần
Chỉ duyên thiểu học vô tư hoá
Cố thử kim nhu thặng bổng phần
Thường bả linh đài an xử thiện
Tất nhiên danh lộc đại biền trăn.
Thời lai phong tống hồng mao thuận
Phú quý vinh hoa nhất dạng tân

Dịch nghĩa:
Bài hai
Tự hỏi chẳng phải riêng ta mới có thân thể,
Cái mà trời phú cho há lại là cái nghèo.
Chỉ ví học ít nên không có của riêng,
Nên nay cầu có thêm tiền ngoài lương bổng cố định
Thường giữ tâm hồn ở yên trong trạng thái thiện lương
Thì danh tiếng và lợi lộc ùn ùn kéo đến kịp lúc là lẽ tất nhiên
Thời đến, gió đưa chim hồng thuận cánh bay cao,
Thì giàu sang và vẻ vang, cung cách đều đổi mới.

Dịch thơ:
Bài hai
Tự hỏi riêng ta mới có thân,
Trời cho nhiều thứ, há cho bần.
Chỉ nhờ chút học không tư hoá
Nên phải cầu thêm ngoại bổng phần
Thường giữ tâm hồn an hảo mãi
Tất nhiên danh lợi tiến tăng dần
Thời lai gió đẩy chim bằng trổi
Vinh hiển giàu sang vẻ vẻ tân

Hà Trì Thi đối liên văn tập - Bài 1

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

1. THƠ TRÍCH TRONG

HÀ TRÌ THI ĐỐI LIÊN VĂN TẬP

荷 池 詩 對 聯 文 集



1

在 京 辰 餞 同 年 友

裴 行 走 之 綏 豐 尹

幾 番 風 月 兩 談 心

友 議 年 情 轉 更 深

器 我 昔 曾 聯 結 綬

榮 君 今 早 試 鳴 琴

承 宣 日 下 當 方 面

勤 慎 長 加 迪 寶 箴

鄭 重 車 前 無 別 話

相 期 一 路 福 星 臨

Phiên âm:

Tại Kinh thời tiễn đồng niên hữu

Bùi Hành tẩu chi Tuy Phong doãn

Kỷ phiên phong nguyệt lưỡng đàm tâm

Hữu nghị niên tình chuyển cánh thâm

Khí ngã tích tằng liên kết thụ

Vinh quân kim tảo thí minh cầm

Thừa tuyên nhật hạ đương phương diện

Cần thận trường gia địch bảo châm

Trịnh trọng xa tiền vô biệt thoại

Tương kỳ nhất lộ phúc tinh lâm

Dịch nghĩa :

Thủa tại Kinh, tiễn bạn học đỗ cùng khoa1 họ Bùi, chức Hành tẩu, đi nhậm chức tri huyện huyện Tuy Phong2

Bao phen tôi và anh cùng hóng gió ngắm trăng, chẳng nói năng gì vì lòng đã thầm hiểu nhau.

Nghĩa bạn giao du và tình bạn đỗ cùng khoa dần dà chuyển đến mức sâu đậm.

Dùng ta làm khí cụ của nhà nước thì từ xưa đã từng có dây thao để buộc người với nhiệm vụ3.

Nay anh được vẻ vang nhờ nhà vua sớm cho anh thử trổi giọng đàn cầm4

Từ nay trở đi, vâng mệnh thay vua tuyên dương đức hoá một phương.

Thì ngày càng thêm siêng năng và cẩn thận trong việc nước như lời châm5 quý báu đã dạy.

Trước xe trịnh trọng tiễn anh mà không nói lời xa nhau

Đã đến lúc mời anh lên đường là́m một Phúc tinh6, mang lại hạnh phúc cho dân chúng nơi anh trị nhậm.

Chú thích:

1. Đồng niên hữu: Ấu học cố sự Quỳnh lâm, quyển 4, chương Khoa đệ: Đồng bảng chi nhân, giai thị đồng niên = Những người thi đỗ cùng khoa, có nêu tên cùng một bảng, đều gọi là Đồng niên. Người được tặng thơ là Bùi Cạnh, đỗ cùng khoa với tác giả.

2. Huyện Tuy Phong: Thuộc phủ Ninh Thuận, tỉnh Bình Thuận. Từ doãn nhằm trỏ trưởng quan đứng đầu một địa phương, thường chỉ chức Tri phủ như Phủ doãn, Tri huyện như Lệnh doãn. Chức Hành tẩu thường ở phẩm Chánh thất (7 – 1), làm việc tại Bộ một thời gian được thăng phẩm Tùng lục (6 – 2) thì cho lãnh chức Tri huyện, phẩm Chánh lục (6 – 1). Đừng theo mặt chữ Hành tẩu mà hiểu như có kẻ đã dịch bậy là “chân sai vặt”! Tri huyện họ Bùi là ông Bùi Cạnh, bạn của tác giả.

Phẩm trật chú như trên là theo quan chế ban hành đời Minh Mệnh mà cụ Trần Trọng Kim đã ghi lại trong sách Việt Nam sử lược. Trong thực tế theo anh Trần Đình Phan, con cụ Cử Tân nói thì bố anh từ Hành tẩu đi Hậu bổ Bình Thuận, thăng Kinh lịch rồi mới thăng Tri huyện Hoài Ân, phẩm Tùng ngũ (5 – 2) rồi lên Chánh ngũ (5 – 1)

3.Thao: là dây thao (lụa to sợi) dùng buộc ấn vào người. Ấn có ba loại: Ấn vàng thao đỏ, Ấn bạc thao xanh, Ấn quan Tri huyện bằng đồng dây thao đen.

4. Đời Chu có Mật Tử Tiện làm quan tể ấp Đơn Phủ, chỉ gảy đàn cầm mà Đơn Phủ được trị an.

5. Châm: Lời dạy đạo làm quan mà quan lại phải học thuộc lòng (Theo Văn Tâm điêu long của Lưu Hiệp (465 – 520) thời Lục triều)

6. Đời Tống có Tiên Vu Sằn làm chuyển vận sứ ở Triết Đông. Tư Mã Quang bảo người rằng: “Sằn là người giỏi mà để làm quan ở bên ngoài thì chẳng nên. Nhưng vùng Tề Lỗ điêu tàn quá lắm nên phải đưa Sằn tới cứu. Sằn đúng là Nhất lộ Phúc tinh (Sao Phước của một lộ) vậy.”

Dịch thơ:

Tiễn Bùi Hành Tẩu làm Tri huyện Tuy Phong

Bao phen trăng gió hiểu lòng nhau

Bè bạn dần dà nghĩa thấm sâu

Buộc ấn xưa từng dùng lụa mộc

Thử đàn giờ sớm chịu ơn sâu

Mệnh vua tuyên hoá đương thay mặt

Châm báu thận cần hãy nhớ câu

Trịnh trọng trước xe không nói biệt

Mà đưa sao Phúc tới Nam châu

Hà Trì thi tập


HÀ TRÌ TRẦN ĐÌNH TÂN
(1893 - 1979)
Cử nhân Hán học

Sơ lược tiểu sử tác giả

Ông Trần Đình Tân, còn có tên là Trần Hữu Liệp, tự Lữ Tiên, hiệu Hà Trì, sinh ngày 19 tháng 10 năm Quí Tị (26.11.1893) tại thôn Cảnh Vân tổng Dương An phủ Tuy Phước, nay là thôn Cảnh An xã Phước Thành huyện Tuy Phước tỉnh Bình Định.

Con ông Tú tài Trần Hữu Nham tự Trinh và Quan viên mẫu Lê Thị Tâm.

Ông Tú Trinh từng dựng cờ chống Pháp tại núi Thơm trong thôn Cảnh Vân vào năm 1886, được Bình Tây nguyên soái Mai Xuân Thưởng cử làm Tán tương Quân vụ.

Ông nổi tiếng thông minh từ nhỏ. Năm 17 tuổi thi đỗ Học sanh. Năm 22 tuổi cùng với anh ruột là Trần Trọng Giải dự thi Hương tại trường Bình Định, khoa Ất Mão (1915) ông trúng Cử nhân thứ 11/18, ông Giải trúng Tú tài 27/36.

Cuối năm 1919, sau khi chánh thất Bùi Thị Tư thất lộc, ông được bổ làm Hành tẩu bộ Học.

Năm 1928, ông được bổ làm Hậu bổ tỉnh Bình Thuận. Trong thời gian ở Bình Thuận, ông được hai lần quyền Tri phủ Tuy Phong, Hàm Thuận và thăng Kinh lịch (1932).

Năm 1921, ông kết duyên cùng trưởng nữ của Tri phủ Đào Trọng Trấp (ông này là cháu kêu văn hào Đào Tấn bằng chú ruột) là Đào Thị Biêm tự Ngọc Mai hiệu Dược Thạch. Bà chung sống với ông trong thời gian ở Huế và Bình Thuận (qua 7 lần sinh chỉ được một gái một trai trưởng thành. Anh Trần Đình Phan là con của bà này). Bà thất lộc tại Bình Thuận vào năm 1930, chôn tạm xứ người, ba năm sau mới cải táng về quê ở núi Thơm.

Năm 1933, ông kết duyên cùng bà Nguyễn Thị Tiếp (Bà sinh được 3 gái, 3 trai, trong đó có tiến sĩ Trần Đình Sơn hiện là Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học NewYork). Cũng trong năm này ông được thăng bổ làm Tri huyện huyện Hoài Ân thuộc tỉnh Bình Định.

Năm 1941, hoán bổ làm Tri huyện huyện Đồng Xuân tỉnh Phú Yên.

Cuối năm 1942 được thăng bổ làm Tri phủ phủ Mộ Đức thuộc tỉnh Quảng Ngãi.

Cuối năm 1943 hoán bổ làm Tri phủ phủ Hoài Nhơn tỉnh Bình Định.

Cuối năm 1944 được thăng bổ làm Thương tá Tỉnh vụ tỉnh Ninh Thuận (hàm ngang Án sát). Ninh Thuận là tỉnh nhỏ, có Tuần phủ là quan đầu tỉnh, Thương tá làm phó, quan hàm tùng Tam phẩm (3 – 2)

Trong thời gian làm quan Nam triều, ông được ân thưởng Kim Tiền (1924), Long Bội tinh (lúc ở Bình Thuận), Cao Miên quốc vương bội tinh (lúc làm Tri huyện Hoài Ân), Kim Khánh (lúc làm Tri phủ Mộ Đức).

Cách mạng tháng Tám năm 1945, sau một tháng bàn giao mọi công việc hành chánh, tư pháp và quản lý kho bạc của tỉnh tại Phan Rang, ông được chính quyền mới giới thiệu trở về quê hương tham gia công tác địa phương. Ông đã lần lượt được giữ các chức vụ: Hội trưởng Hội phụ lão xã Phước Thành, Hội trưởng Hội Liên Việt xã Phước Thành, Trưởng ban vận động quỹ kháng chiến huyện Tuy Phước, Hội trưởng Hội Liên Việt huyện Tuy Phước, Ủy viên trong Ủy ban kháng chiến Hành chánh huyện Tuy Phước cho đến năm 1950 mới nghỉ việc vì bệnh mắt quá nặng, gần như mù.

Năm 1955, hoà bình lập lại, ông vào Sài gòn chữa trị, mắt được sáng lại.

Năm 1956, ông tham gia Hội Khổng học, được bầu làm Hội trưởng Văn chỉ Tuy Phước, rồi Hội trưởng Hội Khổng học tỉnh Bình Định cho đến đầu năm 1959.

Năm 1959, đắc cử Dân biểu Quốc hội khoá 1959 – 1962 tại đơn vị Hoài Ân.

Cuối năm 1962, ông được mời làm Hội trưởng danh dự Hội Khổng học Bình Định (ông Mạc Như Tòng làm Hội trưởng)

Từ ấy, ông ở hẳn tại Qui Nhơn, đem hết tâm trí và thời gian đầu tư vào sự nghiệp trước tác.

Tạ thế tại nhà số 250 đường Phan Bội Châu, thuộc thành phố Qui Nhơn vào ngày mùng 4 tháng 10 năm Kỷ Vị (23.11.1979), hưởng thọ 86 tuổi dương tức 87 tuổi âm. Hiện ông được thờ tại đây và tại Hà Trì tư đệ là Từ đường chính ở chánh quán Cảnh Vân – Tuy Phước. Hàng năm làm lễ giỗ ông vào ngày mùng 3 tháng 10 âm lịch.

Sinh thời, ông trước tác rất nhiều, ngoài số đã thất lạc, hiện còn có:

1. HÀ TRÌ THI ĐỐI LIÊN VĂN TẬP bằng chữ Hán và chữ Nôm.

2. HÀ TRÌ THẢO BẢN bằng chữ Hán và chữ Nôm.

3. ĐIỂN CỐ TẦM NGUYÊN TRÍCH YẾU bằng chữ Hán

4. DANH NHÂN KIỆT TÁC TẬP BIÊN bằng chữ Hán

5. CHƯ DANH GIA ĐỐI LIÊN TẬP bằng chữ Hán

6. BIỂU XUYÊN ĐỐI LIÊN TẬP bằng chữ Hán

7. BIỂU XUYÊN DI CẢO bằng chữ Hán và chữ Nôm

8. VĂN TẾ bằng quốc ngữ

9. Y HỌC CẨM NANG TIỂU LỤC bằng quốc ngữ.

Bộ sách thuốc này gồm 7 quyển do ông trích dịch và biên soạn từ các bộ sách: Thạch thất bí lục, Nghiệm phương tân biên, Biện chứng kỳ văn, Thọ thế bảo nguyên, Vạn bịnh hồi xuân, Nam Dương tập yếu, Y truyền bí lục (của thầy Hai Đặng ở Vinh Thạnh), Vệ sinh trị yếu (của ông Cử Huỳnh Bá Văn), Hải Thượng y tông tâm lĩnh, các phương hay gia truyền v.v...

Các tác phẩm trên đều do các con ông bảo quản.

Điểm qua những tác phẩm ấy, đồ sộ về lượng, vô giá về phẩm, xứng đáng được người đời trân trọng.

Về nhân cách phẩm giá, ông được người đương thời là Lê Bính nhận xét rằng: “ông giữ được nếp sống cần kiệm liêm chính, không nịnh trên hách dưới, không khuất quị dưới áp lực nào nên làm quan chậm được thăng thưởng và chậm được đề bạt giữ các chức vụ quan trọng”. Và được người đời sau viết trong Trần tộc gia phả rằng: “ông là người hiền lành, thật thà, điềm đạm; sống cần kiệm siêng năng mực thước; rất kính yêu ông bà cha mẹ, rất hoà thuận với anh chị em, rất thương yêu đùm bọc con cháu; nhiệt tình giúp đỡ người nghèo khó. Suốt đời học tập nghiên cứu không biết mệt mỏi, chỉ rời quyển sách 15 ngày trước khi tạ thế... Ông luôn gắn bó với quê hương, đóng góp ý kiến và tài lực với anh ruột là ông Tú Giải trong việc xây dựng Từ đường, xây dựng trường học, truyền bá Quốc ngữ, mở mang tri thức cho con em trong vùng, tu tạo đình miễu chùa chiền chợ búa cầu cống đường sá v.v ... và trong việc tổ chức hoạt động từ thiện, cứu tế. Ông đã đóng góp được phần làm rạng rỡ cho tổ tiên, dòng họ, quê hương mình, là niềm tự hào của dòng họ và con cháu”.

Với bấy nhiêu ấy, nhà Nho, nhà thơ, nhà biên tập Hà Trì Trần Đình Tân xứng đáng nhận lời tán thán:

Đã nên lập đức lập ngôn

Tiếng tăm cùng với nước non mãi truyền!

Lộc Xuyên Đặng Quí Địch