Friday, November 27, 2009

Gia tộc họ Trần (Báo Bình Định)

Gia tộc họ Trần
15:6', 14/3/ 2005 (GMT+7)

Đúng 6 giờ, ngày 12 tháng Giêng (Âm lịch), Từ đường họ Trần ở thôn Cảnh An, xã Phước Thành, huyện Tuy Phước đã cử hành lễ tế hiệp (cúng tế ông bà) lần thứ 89. Hàng trăm người - trẻ, già, lớn, bé, có những người chưa một lần bước ra khỏi làng, lại có những người vừa trở về từ một nơi rất xa và đây là lần đầu tiên họ gặp mặt nhau để nhận họ hàng và sợi dây huyết thống đã kéo mỗi người xích lại gần nhau hơn.

* Về với họ tộc

Từ đường họ Trần được xây dựng từ năm 1916.

Hàng năm, vào ngày 11 tháng Giêng, con cháu họ Trần lại lục tục kéo về từ đường ở thôn Cảnh Vân (nay là Cảnh An). Sau Tết năm nay trời trở lạnh. Trong hơi gió âm âm và những cơn mưa xuân rích rắc, trẻ, già, lớn, bé trong họ lui cui sửa sang, tôn tạo phần mộ cha ông. Ông Trần Bùi Thao, vị Chánh chủ tự của Ban quản trị họ năm nay đã bước qua tuổi 82, dáng người bệ vệ nhưng bước chân đã chậm. 21 năm giữ một cái chức "to" nhất họ, ông Thao đã luôn cố gắng gìn giữ nếp nhà để xứng đáng với lòng ngưỡng mộ và tôn vinh của bà con dòng tộc. Ông hoan hỉ khi tiếp chuyện với tôi: "Trời luôn ủng hộ họ Trần. Năm nay tảo mộ thật đông vui nhờ con cháu về đủ cả...".

Từ đường họ Trần được xây dựng từ năm 1916. Có lẽ, đây là ngôi từ đường cổ nhất trong tỉnh mà tôi có dịp ghé qua. Trước cổng từ đường một con voi đá đang phủ phục. Chính cửa có hàng chữ "Trần Từ đường môn" viết bằng chữ Hán, hai bên là câu đối "Nhập môn thủ luân lý" (Vào cửa phải giữ gìn luân lý) và "Tại hạ túc hộ trì" (Dưới mái được che chở)… Sau lễ tảo mộ, nam giới và phụ nữ trung niên bắt đầu sắp đặt, trang trí lại các khu thờ và sửa soạn một bữa cơm họp mặt. Mọi công việc đều được thực hiện một cách mau lẹ và tự giác. Những lúc ngưng tay, các bà mẹ thường tranh thủ gọi con đến giới thiệu với người họ hàng. "Mấy đứa nhà chị lớn mau ghê há, mới đó mà đã vào đại học hết rồi!" - tiếng một người phụ nữ thì thầm.

Họ đến và gắn kết với nhau trong tình cảm huyết thống. Vào ngày giỗ tổ, con, cháu, họ hàng, bà con xa, gần có dịp tề tựu để hỏi han, trò chuyện về việc làm ăn, giới thiệu con cái với nhau để "ra đường chúng còn biết phân định anh, em mà chào hỏi". Chị Trần Thị Ty ở Phú Hiệp (Tuy An, Phú Yên) năm nay dẫn con trai "đích tôn" vừa tròn 34 tháng tuổi về nhận họ. Tuy chỉ là con dâu của họ Trần, nhưng 16 năm qua, chưa năm nào chị Ty quên về giỗ tổ. Anh Tuấn chồng chị là hậu duệ đời thứ 9 của họ Trần ở Quý phái Phú Hiệp. "Họ hàng bên chồng chính là nguồn cội của con. Có tới, có lui thì mới nảy sinh tình cảm…"- chị Ty tâm sự.

* Cây có cội, người có nguồn

Theo lời kể của ông Trần Bùi Thao, vị thái thủy tổ họ Trần là hậu duệ đời thứ 12 của An Sinh Vương Trần Liễu. Thái thủy tổ, không rõ vì một lý do nào đó đã phải đưa 3 người con từ đất Bắc "lánh nạn" vào tận vùng sơn cước Đàng Trong. Người con cả (thủy tổ đại lang) là Trần Hữu Đức dạt lên vùng Cảnh Vân (Phước Thành bây giờ), còn hai người em thì vào tận Phú Hiệp và Mỹ Á (tỉnh Phú Yên). Ông tổ Trần Hữu Đức ở làng Cảnh Vân đến đời thứ 4 đã "tẽ" ra thành nhiều chi phái, các nhánh và đến nay đã có hậu duệ đời thứ 13 với gần 300 hộ tộc viên sống tập trung ở làng Cảnh An và nhiều địa phương khác.

Ngày giỗ tổ họ Trần gần một thế kỷ nay đã trở nên quen thuộc không chỉ với người trong họ. Sáng nay, lúc hỏi thăm đường đến nhà ông Trần Bùi Nghê, tộc quản và cũng là trưởng ban khuyến học của dòng họ Trần, người thợ sửa xe máy ở đầu làng đã khẳng định như đinh đóng cột: "Ông Nghê giờ này đã có mặt ở từ đường rồi!".

Tùng… tùng… tùng…, những tiếng trống vọng ra dập dồn từ một chòm nhà phía xa xa. Một người dân thốt lên: "Từ đường cúng rồi!". Trong đời sống của người thôn Cảnh An, ngày giỗ tổ họ Trần từ bao năm nay đã trở nên gần gũi, thân quen như tập quán của cả làng, cả xã.

Cây có gốc có rễ, người có cội có nguồn. Trong lễ tế hiệp của tộc Trần năm nay, tôi gặp anh Trần Hữu Thân, 34 tuổi, kỹ sư cầu đường, hiện đang định cư tại California (Mỹ). Trở về quê hương sau 17 năm xa cách, anh Thân đã bật khóc trong ngày giỗ tổ. Anh tâm sự: "Tôi đã có gia đình, có con ở nước ngoài, lần này về nước là muốn giới thiệu "bà xã" với họ hàng...".

Quê hương nếu ai không nhớ… và quê hương chỉ tồn tại và theo suốt mỗi người bằng những gì rất hữu hình như mùi thơm của lúa chín, của những mơ ước theo cánh diều no gió tuổi ấu thơ… và đối với người con họ Trần, còn là tiếng trống họp họ, là những đêm sum vầy trong ngày giỗ tổ, là sợi dây tình cảm huyết thống ấm áp, thiêng liêng.

* Truyền thống là sức mạnh

Lễ tế hiệp và tảo mộ của con cháu họ Trần được tổ chức vào ngày 12 tháng Giêng hàng năm.

Bàn thờ tổ họ Trần có 5 gian. Trong khung cảnh bài trí linh thiêng của nơi thờ cúng, tôi thấy có khá nhiều binh khí và cờ lọng. Ông Trần Bùi Thao giải thích: "Thời xưa, họ Trần có võ phát quan Tam phẩm lãnh binh Trần Hữu Tam và văn phát khoa Tam phẩm thương tá tỉnh vụ Trần Đình Tân về vinh quy bái tổ nên mới được phép thờ lễ bộ và lọng...".

Dưới bàn thờ văn phát khoa, những học sinh có thành tích học tập xuất sắc được họ trao học bổng và phần thưởng khuyến học. Ban khuyến học dòng họ Trần được thành lập từ năm 2003, nhưng những hoạt động khuyến học của họ thì đã có từ rất lâu rồi. Người họ Trần vẫn tự hào là họ đầu tiên đứng ra mở trường (Trần tộc Học hiệu) để dạy chữ Quốc ngữ cho con cháu trong họ và trong vùng từ trước Cách mạng Tháng 8-1945. Quả vậy, lần trước lên Phước Thành tìm hiểu về chuyện khuyến học của xã, ông Trần Bùi Nghê có dẫn tôi xuống chân núi Thôn để viếng một ngôi mộ cổ. Đó là mộ của thầy giáo Quỳ - một trong những người đã dạy học tại "Trần tộc Học hiệu". Thầy Quỳ quê ở Phước Hiệp, có cha đậu cử nhân Hán học. Ông là người văn hay, chữ tốt nhưng bất đắc chí vì học tài thi phận. Trần tộc Học hiệu là trường học đầu tiên khai khoa học vấn tân học cho người dân ở đây và sau bao thăng trầm, thay đổi, nó chính là tiền thân của Trường THCS Phước Thành ngày nay.

Ngày nay, trong lòng mỗi người con họ Trần luôn ý thức rất rõ về truyền thống của họ tộc. Trong câu chuyện kể của người lớn tuổi trong họ, thường lấp lánh những tấm gương hiếu học và khát vọng vươn lên trong học tậpï. Ngày xưa, muốn cho con đi học và đỗ đạt đối với một gia đình không mấy dễ dàng, nên cả họ phải "chung sức".Cũng nhờ tinh thần đoàn kết, tương ái đó mà họ Trần đã có nhiều người học giỏi và đỗ đạt như ông Trần Đình Phô - được cả họ nuôi ăn học cho đến khi lấy được bằng Đip-lôm, được ghi tên vào bảng danh dự của Trường College de Quy Nhơn mà mỗi học sinh đi qua đều phải ngả mũ chào. Đến thời nay, đã có 150 sinh viên "họ Trần" tốt nghiệp nhiều ngành, nhiều đại học khác nhau ra trường, nhiều người trong số đó tiếp tục học lên cao học, tiến sĩ...

Trong ngày giỗ tổ, con cháu ở xa thường về vấn an sức khỏe những người lớn tuổi trong họ tộc.

Để khuyến khích con cháu hiếu học và học giỏi, tộc Trần có một quy định: Mỗi hộ tộc viên, mỗi năm góp về họ 50.000 đồng hoặc tùy lòng hảo tâm để cúng giỗ tổ tiên, 20.000 đồng góp cho quỹ khuyến học. Trong lễ trao học bổng khuyến học năm nay, có 15 HS, SV đã vinh dự được nhận học bổng của họ. Ông Trần Bùi Nghê cho biết: "Phương châm của họ là khuyến khích con cháu vào đại học. Gia đình nào nghèo, không có tiền chu cấp cho con đi học thì được họ nuôi cho đến khi ra trường". Bởi thế, mỗi khi con, cháu nào trong họ đậu đại học, Ban quản trị họ sẽ phát ngay 200.000 đồng tiền tàu xe để nhập trường. Bên cạnh đó, hàng năm họ Trần còn cấp 1 học bổng và 4 phần thưởng cho HS Trường THCS Phước Thành có thành tích học tập xuất sắc để khuyến khích phong trào khuyến học ở địa phương.

Trăm nhà tạo nên làng, xã, trăm họ làm nên đất nước, dân tộc. Chia tay họ Trần, tôi vẫn còn nhớ những lời dặn dò của ông tộc trưởng với cháu con: "Hãy giữ gìn tư sở, mồ mả, gia phả tổ tiên để dòng họ ta ngày một đông vui, giữ gìn truyền thống hiếu thảo, sống có đạo lý, nghĩa tình và xây dựng dòng họ ta thành một dòng họ khuyến học. Tất cả con cháu trong độ tuổi đều được cắp sách đến trường. Họ Trần sẽ không có người phạm pháp, mắc các tệ nạn xã hội, không có con, cháu nào gây rối, làm mất trật tự công cộng địa phương, gây tổn hại đến uy tín dòng họ". Anh Trần Hà Nam - một công dân đời thứ 10 của họ Trần đã nói với tôi: "Niềm tự hào dòng tộc đã nâng tôi lớn dậy rất nhiều...".

. Quỳnh Hoa

No comments: